MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DI SẢN THỜ CÚNG THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Truyền thống của dân tộc Việt từ xa xưa đến nay luôn xem việc hương hỏa thờ cúng tổ tiên là một trong những mặt không thể thiếu trong đời sống tâm linh, đó không chỉ là một nét văn hóa đặc trưng mà còn là sự biểu hiện về mặt đạo đức. Việc thờ cúng nói chung và di sản thờ cúng nói riêng mang nhiều ý nghĩa và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, tuy nhiên pháp luật hiện hành chỉ điều chỉnh một cách tương đối sơ lược về vấn đề trên, dẫn đến nhiều vướng mắc xảy ra trên thực tế.

Thứ nhất, về việc xác lập di sản thờ cúng theo bộ luật dân sự 2015:

Tại Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng”. Theo đó việc xác định di sản là di sản thờ cúng cần căn cứ vào di chúc của người để lại di sản, vậy có thể xảy ra một trường hợp là có một phần tài sản trên thực tế đã được sử dụng vào việc thờ cúng từ đời này qua đời khác nhưng lại không được nhắc đến trong di chúc, những người thừa kế có thể thỏa thuận thống nhất để tự xác định đây là di sản thờ cúng, vậy di sản này có được pháp luật công nhận với nội dung như trên? hoặc họ không thỏa thuận được và cần nhờ đến tòa án xem xét thì lúc này di sản thờ cúng (về mặt thực tế sử dụng) có còn được pháp luật bảo vệ, hay tòa án sẽ xem đây là phần tài sản cần phải được chia thừa kế theo pháp luật. Cũng không loại trừ trường hợp người chết không để lại di chúc nên việc xác định di sản thờ cúng cũng không thể thực hiện. Rất dễ nhận thấy rằng điều này sẽ có thể dẫn tới những mâu thẫu trong nội bộ gia tộc, gia đình thậm chí là tranh chấp, vì vậy thiết nghĩ cần có sự xác lập sâu rộng hơn về di sản thờ cúng, để từ đó có thể đưa ra những cách giải quyết hợp lý và rõ ràng hơn sau hệ quả của nó.

Thứ hai, về tính chất pháp lý của di sản thờ cúng theo bộ luật dân sự 2015

Từ quy định của pháp luật cũng như trên thực tiến cũng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề. Về mặt pháp lý, di sản thờ cúng vẫn được xác định là tài sản tuy nhiên quyền và nghĩa vụ đối với tài sản này lại không được quy định một cách đầy đủ, Điều 645 BLDS 2015 chỉ ghi nhận nghĩa vụ quản lý di sản của người được giao cho quản lý mà không quy định cụ thể, và quyền được thỏa thuận của những người thừa kế khác để chọn ra người quản lý. Trong khi trên thực tế, một trong số những vấn đề thường được đặt ra nhất là liệu di sản thờ cúng có được chuyển nhượng hay thế chấp thì cũng không được quy định trong pháp luật. Tất nhiên, di sản thờ cúng cần phải được gìn giữ để bảo tồn những giá trị văn hóa nói chung cũng như để bảo vệ ý chí của người để lại di sản nói riêng, vì vậy cũng cần có những hạn chế nhất định đối với một số quyền về sử dụng và định đoạt đối với di sản thờ cúng, tuy nhiên không thể hạn chế đến mức gần như tối đa như pháp luật quy định hiện nay bởi điều đó không có giá trị thực tiễn. Như trong trường hợp di sản thờ cúng là một phần trong ngôi nhà của người quản lý, nay do nhu cầu họ phải chuyển chỗ ở và cần phải chuyển nhượng lại toàn bộ tài sản đó, những người trong gia tộc đã đồng ý và thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng lại nơi thờ cúng ở nơi ở mới của người quản lý, trong trường hợp này họ vẫn bảo đảm được vật chất của việc thờ cúng tuy nhiên lại không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Hay trong trường hợp di sản thờ cúng gây thiệt hại cho người khác như cây cổ thụ trong khối di sản thờ cúng bị đổ thì vấn đề đặt ra là ai có trách nhiệm bồi thường. Nếu như theo điều 626 BLDS quy định “chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại” thì ở đây di sản thờ cúng lại không xác định được chủ sở hữu.

Thứ ba, về căn cứ chấm dứt sự tồn tại của di sản thờ cúng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

 Điều 645 BLDS 2015 quy định “trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”, theo đó có thể hiểu rằng, di sản thờ cúng chỉ tồn tại khi người được thừa kế theo di chúc còn sống và sẽ chấm dứt sự tồn tại khi người thừa kế cuối cùng theo di chúc chết, và sau đó di sản này lại thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó. Đối với những người được chỉ định để quản lý di sản thờ cúng theo di chúc nếu muốn để lại di chúc cho người khác tiếp tục quản lý di sản thờ cúng lại không thể thực hiện được vì họ không phải là chủ sở hữu, tài sản đó không nằm trong di sản của họ nên cũng không thể định đoạt. Như vậy, vô hình chung có thể nói rằng Pháp luật hiện hành chỉ cho phép sự tồn tại của di sản thờ cúng là trong một đời người của những người thừa kế theo di chúc.

Trên đây chỉ là một số vấn đề đặt ra về việc quy định pháp luật liên quan đến di sản thờ cúng, do sự thiếu bao quát và gắn liền với thực tiễn nên sẽ có nhiều mâu thuẫn và tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề này, vì vậy hy vọng rằng trong tương lai quy định pháp luật sẽ được hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó những người tham gia trong mối quan hệ này thường là những người thân thích trong cùng gia đình, dòng tộc để tránh những mâu thuẫn phát sinh mà khó có thể giải quyết được theo pháp luật, nên đề cao tinh thần tương thân tương ái, cùng hướng tới mục đích chung để bảo tồn những giá trị tốt đẹp trong gia đình, xã hội.

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27                                            

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm