QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI BÁN HÀNG ĐA CẤP BẤT CHÍNH

Ở Việt Nam, bán hàng đa cấp là một khái niệm mới và lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Trước đó, kiểu kinh doanh này thường được gọi dưới tên “truyền tiêu đa cấp”, “kinh doanh theo mạng”, “tiếp thị đa tầng”. Trên thế giới phương thức này thường được sử dụng dưới tên gọi “kinh doanh đa cấp” (Multi Level Marketing), đây là phương thức tiêu thụ sản phẩm do nhà hóa học người Mỹ Karl Ranborg (1887 – 1973) sáng tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1927 đến năm 1934.

Luật Cạnh tranh năm 2004, không định nghĩa trực tiếp bán hàng đa cấp là gì mà thay vào đó là đưa ra các điều kiện để xác định ranh giới “chân chính” hay “bất chính”, tức là xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của hoạt động bán hàng này. Nếu hoạt động bán hàng đa cấp đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 11, Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2004 thì các thương nhân được phép sử dụng để áp dụng vào chiến lược kinh doanh của mình và Nhà nước sẽ bảo hộ hoạt động đó.

                                 

* Luật Cạnh tranh 2004 đã quy định hành vi bán hàng đa cấp bất chính là một trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cùng với đó là thẩm quyền xử lý:

“ Điều 48. Bán hàng đa cấp bất chính

Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:

1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;

3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.”

 Có thể thấy, mục tiêu điều chỉnh của Luật hướng tới một hành vi thương mại gây ảnh hưởng tiêu cực, chứ không phải là một nội dung quản lý nhà nước đối với một hoạt động thương mại đặc thù. Cụ thể, từ các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 48 Luật Cạnh tranh ta thấy, pháp luật Việt Nam quy định 4 dạng hành vi được coi là “bán hàng đa cấp bất chính”.

+    Ở khoản 1: là vi phạm cơ bản, tức là việc thu tiền từ các thành viên mới tham gia ở cấp thấp nhất để trả cho các cấp cao hơn. Tuy nhiên, cần xác định rõ bản chất của hành vi này: việc nộp tiền là một điều kiển tất yếu để tham gia mạng lưới hay là một khoản thu hợp lý, không đáng kể như chi phí hành chính, giấy tờ.

+    Ở khoản 2: hành vi này không thể hiện bản chất vi phạm của bán hàng đa cấp bất chính, nhưng là quy định cần thiết đặt ra nhằm ngăn chặn, khắc phục thiệt hại cho người tham gia; cụ thể: cho phép người tham gia có thể rút ra khỏi mạng lưới và nhận lại được số tiền đã đóng. Quy định này nhằm loại bỏ khả năng người tham gia chịu sức ép phải lôi kéo người khác tham gia mạng lưới, từ đó tiếp tay cho vi phạm của doanh nghiệp.

+    Ở khoản 3: hành vi này là dùng lợi ích vật chất để tác động tới người tham gia, thúc đẩy họ lôi kéo, dụ dỗ người mới tham gia để đóng tiền trên danh nghĩa là hoạt động tiếp thị, tìm kiếm đối tác, mở rộng kinh doanh. Cấm hành vi này nhằm mục đích ngăn chặn tác động lan truyền của hoạt động bán hàng đa cấp bất chính thông qua sự tiếp tay của những người tham gia mạng lưới.

+    Ở khoản 4: là hành vi cố ý sử dụng những thông tin sai sự thật nhằm tác động, lôi kéo người mới tham gia mạng lưới.  Cấm hành vi này nhằm mục đích hạn chế, ngăn chặn khả năng mở rộng mạng lưới thông qua những thông tin lừa dối.

* Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp – quy định những nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó hoạt động tiêu thụ hàng hoá bằng mạng lưới đa cấp được nhìn nhận như một trong các phương thức mà các doanh nghiệp sử dụng để tìm kiếm, mở rộng vị trí của họ trên thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó cũng có những quy định nhằm ngăn chặn việc lợi dụng danh nghĩa hoạt động bán hàng đa cấp để biến tướng thành các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Cụ thể:

2. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

1) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

2) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

3) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;

4) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

5) Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

6) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;

7) Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;

8) Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;

9) Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;

10) Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này;

11) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;

12) Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp;

13) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

Liên hệ luật sư tư vấn pháp luật:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0915 27 05 27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com.

Trân trọng!


Bài viết xem thêm