CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ NHƯ THẾ NÀO KHI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN ĐÃ HẾT?

Tranh chấp tài sản thừa kế là một quan hệ pháp luật phổ biến trong đời sống xã hội, theo đó, người có tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác trước khi họ chết (thừa kế theo di chúc), nếu không thì di sản được giải quyết theo quy định của pháp luật (thừa kế theo pháp luật). Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân, pháp luật của các quốc gia đều ghi nhận điều này. Tuy nhiên, trong những trường hợp tranh chấp thừa kế dẫn đến việc khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế tại Tòa án thì người thừa kế cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế và nếu trong trường hợp khi muốn khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế mà thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết thì tài sản thừa kế được chia như thế nào?

Luật sư công ty Luật Nhân Hòa sẽ giải đáp chi tiết mọi vướng mắc của quý vị thông qua bài tư vấn kiến thức pháp luật dưới đây:

1. Thời hiệu thừa kế theo quy định quy định pháp luật

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 phân biệt thời hiệu thừa kế đối với động sản và bất động sản, cụ thể:

+ Đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế;

+ Đối với động sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Khi thời hạn trên kết thúc thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết theo hướng sau:

+ Trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 (Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản) thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu đó;

+ Trường hợp không có người chiếm hữu như trên thì di sản thuộc về Nhà nước.

Như vậy, kể từ thời điểm mở thừa kế, sau 30 năm đối với bất động sản hoặc sau 10 năm đối với động sản thì di sản sẽ thuộc về những đối tượng sau đây theo thứ tự ưu tiên là: Người thừa kế đang quản lý di sản đó; người chiếm hữu quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự 2015 và cuối cùng là Nhà nước.

                   

                            Liên hệ luật sư tư vấn thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế Hotline: 0915270527

2. Xác định thời hiệu thừa kế

Theo tinh thần của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004, tùy vào thời điểm mở thừa kế mà thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế sẽ được xác định khác nhau:

+ Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1996, thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế"

Nghị quyết 02/1990/NQ - HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế quy định như sau:

“10. VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

Khi áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế cần chú ý như sau:

a) Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà công dân, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích của mình. Quá thời hạn đó, họ không có quyền khởi kiện nữa. Có hai thời hạn cho hai loại quyền khởi kiện khác nhau đã được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 36, khi áp dụng cần tránh nhầm lẫn.

b) Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990, do đó:

- Sau ngày 10-9-2000, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác;

- Sau ngày 10-9-1993, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các chi phí từ di sản”.

+ Trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện;

+ Trường hợp thừa kế mở từ ngày 01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự (tương ứng với Điều 623 Bộ luật Dân sự hiện hành).

Như vậy, cần lưu ý thời điểm mở thừa kế thuộc trường hợp trước hay kể từ ngày 01/7/1996 để áp dụng đúng pháp luật, tránh việc xác định sai thời hiệu khởi kiện.

3. Những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

Theo tinh thần của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004, di sản thừa kế sẽ được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

+ Trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế;

+ Sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia.

Hệ quả pháp lý của việc di sản chuyển thành tài sản chung là Tòa án sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế khi giải quyết tranh chấp, thay vào đó áp dụng các quy định của pháp luật về tài sản chung. Do đó, bằng cách làm đơn yêu cầu Tòa án để yêu cầu chia tài sản chung, tài sản thừa kế vẫn có thể được chia.

Ngoài ra, trong trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

4. Lưu ý khi áp dụng quy định về tài sản chung

Tùy từng trường hợp mà việc chia tài sản chung sẽ được giải quyết theo từng cách khác nhau, cụ thể:

+ Nếu có di chúc, các đồng thừa kế không tranh chấp và có thỏa thuận về việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc thì việc chia tài sản chung đó sẽ được thực hiện theo di chúc;

+ Nếu không có di chúc, các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của họ;

+ Nếu không có di chúc, các đồng thừa kế không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Nhìn chung, việc tồn tại của di chúc cũng như việc các đồng thừa kế có thỏa thuận với nhau hay không đều là yếu tố quyết định phương thức chia tài sản chung, vì vậy cần phân biệt rõ những trường hợp này.

Trên đây là các quy định pháp luật chi tiết về thời hiệu khởi kiện chia tài sản thừa kế và cách khởi kiện chia tài sản thừa kế khi hết thời hiệu khởi kiện. Quý khách hàng có thắc mắc về nội dung trên hoặc cần được tư vấn về những vấn đề pháp lý về thừa kế, tranh chấp tài sản thừa kế, vui lòng liên hệ tổng đài 0915.27.05.27 để được giải đáp.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, p. Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!


Bài viết xem thêm