CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đối với người có quyền sử dụng đất, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, để được cấp loại chứng thư pháp lý này, việc đáp ứng điều kiện cấp và thực hiện đúng hồ sơ, thủ tục cấp là điều bắt buộc. Bài viết dưới đây sẽ cập nhật thông tin cho khách hàng về các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định mới nhất.

1. Các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo Điều 99 Luật Đất đai 2013, những trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:

+ Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật này;

+ Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

+ Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;

+ Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;

+ Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;

+ Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

+ Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;

+ Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

+ Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;

+ Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.

Như vậy, khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định một trường hợp khác để xem xét cấp Giấy chứng nhận. Cụ thể, trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, đất đó không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận có nhà ở hoặc không có nhà ở thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

2.Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm:

+ Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai;

+ Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

+ Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

+ Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng;

+ Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

Cần lưu ý đối với những trường hợp này vì nếu thuộc một trong số đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Dưới đây là sơ lược về quy trình nộp và giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Bước 1: Nộp hồ sơ

+ Chuẩn bị hồ sơ cấp sổ đỏ theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;

+ Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý

+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung;

+ Nếu hồ sơ đủ thì sẽ được tiếp nhận và được ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận;

+ Người nộp nhận được Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo quy định

+ Những khoản tiền bao gồm: Lệ phí cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có).

+ Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 4: Trả kết quả

Người được cấp Giấy chứng nhận nhận lại bản chính giấy tờ đã được xác nhận cấp Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận.

Trên đây là bài viết về “Các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định mới nhất”. Chúng tôi hy vọng Quý khách hàng có thể vận dụng các thông tin trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có  nhu cầu tư vấn pháp lý nhà đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, Quý khách hàng vui lòng gọi điện tới tổng đài 0915.27.05.27 của Công ty Luật Nhân Hòa để được tư vấn.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, p. Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 

 


Bài viết xem thêm