MỘT BÊN VỢ/CHỒNG KHÔNG KÝ VÀO ĐƠN LY HÔN THÌ CÓ LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

Khi mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án xem xét cho ly hôn. Tuy vậy, có nhiều trường hợp một bên muốn ly hôn nhưng bên còn lại không muốn, dẫn đến việc không ký vào đơn ly hôn. Vậy, việc ly hôn có được thực hiện khi một bên không ký vào đơn ly hôn?

1. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của vợ, chồng

Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.

Như vậy, cả hai vợ chồng hoặc chỉ người vợ hoặc người chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Yêu cầu ly hôn vẫn được giải quyết ngay cả khi một bên không ký vào đơn ly hôn, trừ trường hợp tại khoản 3 Điều 51 luật này.

Theo đó, trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn. Đây là quy định thể hiện nguyên tắc nhân đạo, nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong hôn nhân cũng như bảo đảm cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của đứa trẻ - được sự chăm sóc của người cha và người mẹ trong giai đoạn đầu đời.

                

                                  Liên hệ luật sư tư vấn ly hôn 0915.27.05.27

2. Điều kiện để ly hôn khi một bên không ký vào đơn ly hôn

Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn khi đáp ứng 02 điều kiện sau:

(a)  Có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng

- Bạo lực gia đình theo khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 bao gồm 04 nhóm:

+ Nhóm hành vi bạo lực về thể chất (hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng,…);

+ Nhóm hành vi bạo lực về tinh thần (lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm,…);

+ Nhóm hành vi bạo lực về kinh tế (chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình,…);

+ Nhóm hành vi bạo lực về tình dục (cưỡng ép quan hệ tình dục,…).

- Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.

Quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Ví dụ, khoản 1 Điều 19luật này quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau”. Vậy một bên sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khi có hành vi ngoại tình, ghét bỏ đối phương.

(b) Làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

-        Theo tinh thần của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, tại Điều 8, hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng là trường hợp:

+ Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần;

+ Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần;

+ Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

- Đời sống chung không thể kéo dài

     Nếu thực tế cho thấy vẫn thực hiện các hành vi trên, đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

- Mục đích của hôn nhân không đạt được

Là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Theo quy định trên, Tòa án sẽ giải quyết đơn phương ly hôn khi đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tức là giữa vợ chồng đã có nhiều lục đục mâu thuẫn sâu sắc đến mức vợ chồng không thể chịu đựng được nhau nữa, quan hệ vợ chồng không thể tồn tại được, sự tan vỡ của hôn nhân và ly tán của gia đình là không thể tránh khỏi.

Như vậy, việc một bên ký hay không ký vào đơn ly hôn không là yếu tố quyết định việc Tòa án có giải quyết ly hôn hay không. Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ vào tình trạng thực tế của vợ chồng để phán quyết, tức là lý do xin ly hôn phải xác đáng cho thấy mục đích hôn nhân, hạnh phúc gia đình giữa hai bên không đạt được.

Trên đây là bài viết với nội dung “Có ly hôn được không khi một bên không ký vào đơn ly hôn”. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý về hôn  nhân gia đình như ly hôn, giành uyền nuôi con, chia tài sản khi ly hôn,… hoặc có vấn đề pháp lý cần được tư vấn vui lòng liên hệ tổng đài 0915.27.05.27 của Luật Nhân Hòa để được luật sư hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, p. Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 

 


Bài viết xem thêm