ĐIỀU KIỆN THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Một trong những tranh chấp phổ biến khi ly hôn chính là giành quyền nuôi con, theo đó Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi, sự phát triển về mọi mặt của người con để quyết định ai là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ. Tuy nhiên, quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể bị thay đổi. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ quy định pháp luật về điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.

  1. 1.     Quy định pháp luật về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn được thực hiện như sau:

+ Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

+ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Tuy pháp luật đã quy định cụ thể về quyền nuôi con sau khi ly hôn, nhưng trên thực tế có trường hợp các bên yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Khi ra quyết định, Tòa án cần xem xét đến những điều kiện thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.

  1. 2.     Điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó, điều kiện để thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn bao gồm:

(1) Có yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn gửi đến Tòa án của một trong các chủ thể sau: cha, mẹ, người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ.

(2) Xuất hiện một trong các căn cứ sau:

+ Trường hợp cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Việc thỏa thuận này phải dựa trên sự tự nguyện xuất phát từ cả hai bên, từ lợi ích chính đáng của con và được thể hiện dưới hình thức văn bản;

+ Trường hợp hai bên không có thỏa thuận mà chỉ có một bên yêu cầu, thì người có yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn phải chứng minh được người hiện tại đang nuôi đứa trẻ không còn đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Ngoài ra cũng phải chứng minh được về điều kiện cá nhân của người yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, như điều kiện vật chất (điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi) và điều kiện tinh thần (thời gian chăm sóc, giáo dục con; tình cảm cha – con/ mẹ - con trong quá trình nuôi dưỡng; điều kiện cho con vui chơi và hoàn thiện nhân cách; nhân cách đạo đức của người nuôi dưỡng).

(3) Lưu ý: Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

  1. 3.     Thủ tục tiến hành việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Để yêu cầu thay đổi thì người có yêu cầu có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án. Hồ sơ khởi kiện thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn bao gồm:

+ Đơn khởi kiện;

+ Quyết định, bản án ly hôn có hiệu lực của Tòa án;

+ Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;

+ Giấy khai sinh của con;

+ Chứng cứ chứng minh về việc muốn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.

Hồ sơ khởi kiện được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn đang cư trú hoặc đang đăng ký tạm trú (căn cứ quy định về thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi quyền nuôi con tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Sau khi nhận được đơn yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn, tòa án sẽ xem xét đơn và thụ lý vụ án khi có đầy đủ hồ sơ và giấy tờ hợp lệ. Sau đó, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án và gửi cho nguyên đơn, bị đơn.

Bài viết trên đây có nội dung về quyền nuôi con sau khi ly hôn, điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn và thủ tục tiến hành việc thay đổi đó. Quý khách hàng cần tư vấn pháp lý về hôn nhân gia đình, chia tài sản, giành quyền nuôi con khi/sau ly hôn hoặc bất cứ vấn đề pháp lý nào khác, vui lòng liên hệ tổng đài 0915.27.05.27 để được luật sư của chúng tôi giải đáp.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, p. Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm