Các giao dịch, hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất là những giao dịch diễn ra hàng ngày trong đời sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau dẫn đến tranh chấp hợp đồng đặt cọc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một hoặc hai bên trong hợp đồng. Hơn nữa, nhà đất là những tài sản có giá trị lớn, vì vậy, giá trị của mỗi giao dịch mua bán nhà đất cũng thường rất lớn, vì vậy, nếu có vấn đề tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất thì thiệt hại của mỗi bên cũng khá lớn.
Công ty luật Nhân Hòa với các luật sư giàu kinh nghiệm thực tiễn trong các vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất sẽ giúp quý khách hàng đưa ra các giải pháp pháp lý phù hợp nhất, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.
- 1. Hợp đồng dặt cọc mua bán nhà đất là gì?
Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Theo quy định này thì thỏa thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự, do đó, việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện (Điều 122 BLDS)
Về hình thức, hợp đồng đặt cọc phải được lập bằng văn bản, có chữ ký, xác nhận của các bên và người làm chứng. Ngoài ra, hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải có công chứng chứng thực.
- 2. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, đối với hợp đồng đặt cọc mà bên đặt cọc là bên không thực hiện hợp đồng thì bên đặt cọc có trách nhiệm bồi thường cọc:
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Những trường hợp một bên được yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
- Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
- Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
- Trường hợp khác do luật quy định
Do đó, khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng (tiêu biểu như nghĩa vụ giao tiền đúng hạn, không giao kết hợp đồng mua bán,…) hay vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật thì một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Khi đó, hợp đồng đặt cọc không có hiệu lực, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận để giao kết hợp đồng chuyển nhượng. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại khoản 1, 2,3 Điều 427 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
- Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
- Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
- Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.
- 3. Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (hợp đồng đặt cọc, các văn bản thỏa thuận gia hạn đặt cọc);
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
- Hồ sơ pháp lý khác của người khởi kiện, đương sự khác như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực), nếu là pháp nhân; Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện.
4.Trình tự thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề này, nếu có thắc mắc gì xin liên hệ với chúng tôi để được sự tư vấn tốt nhất. Hiện nay, công ty Luật Nhân Hòa có thực hiện các dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp như trên.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!
f