TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HOÀN CÔNG NHÀ Ở

Thủ tục hoàn công khi xây dựng nhà ở: Điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục. Những vấn đề cần quan tâm khi làm thủ tục hoàn công nhà ở.

Việc xây dựng nhà ở là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận tuy nhiên không phải bất cứ tổ chức, cá nhân hay bất cứ trường hợp nào cũng xây dựng đúng theo quy định của pháp luật. Nếu không đáp ứng các điều kiện và không thực hiện đúng các thủ tục, quy định thì việc xây dựng của người dân có thể trái quy định hoặc là không được đảm bảo đủ các quyền lợi khi được pháp luật công nhận. Chính vì thế khi xây dựng nhà ở, người dân cần thực hiện đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật xây dựng. Trong đó giai đoạn hoàn công khi xây dựng nhà ở được xác định là giai đoạn trong quá trình xây dựng làm căn cứ để cấp đổi lại sổ hồng để được pháp luật ghi nhận về quyền sở hữu nhà ở gắn liền trên đất. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những quy định mới về điều kiện, hồ sơ cũng như thủ tục hoàn công khi xây dựng nhà ở để các bạn nắm rõ.

Thứ nhất, khái niệm hoàn công:

Hoàn công được hiểu là việc hoàn thành một công trình xây dựng. Theo quy định của pháp luật xây dựng, đây là một thủ tục hành chính cần có khi xây dựng nhà ở với mục đích nhằm xác nhận sự kiện các nhà đầu tư, nhà thầu thi công đã hoàn thành xong việc thi công công trình xây dựng theo Giấy phép xây dựng đã được cấp và nghiệm thu hoàn thành công trình.

Như vậy hoàn công được thực hiện sau khi nhà đầu tư, nhà thầu đã thi công xong công trình theo đúng giấy phép xây dựng làm căn cứ, cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đổi sổ hồng hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho chủ sở hữu.

Thứ hai, điều kiện hoàn công công trình xây dựng nhà ở:

Để được hoàn công công trình xây dựng nhà ở phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP như sau:

– Các công việc xây dựng, giai đoạn thi công, bộ phận công trình xây dựng được nghiệm thu. Kết quả các thí nghiệm, kiểm tra, chạy thử mà đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng;

– Có văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ban hành theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy;

– Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc văn bản chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có);

– Chất lượng thi công xây dựng không còn tồn tại lớn làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác, an toàn sử dụng công trình.

Thứ ba, hồ sơ hoàn công công trình xây dựng nhà ở:

Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình chuẩn bị 01 bộ hồ sơ hoàn công bao gồm các tài liệu được quy định tại Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng nhà ở ban hành kèm theo Thông tư 05/2015/TT-BXD, cụ thể gồm:

– Giấy phép xây dựng đã được cấp;

– Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình xây dựng, nếu khi xây dựng có sai khác với thiết kế bản vẽ tho công xây dựng thì nộp thêm bản vẽ hoàn công;

– Hợp đồng xây dựng (nếu có);

– Báo cáo kết quả khảo sát quá trình xây dựng; kết quả thẩm tra công trình hoặc văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng và báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có);

– Các văn bản thỏa thuận, xác nhận, chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy; vận hành thang máy (nếu có). 

Thứ tư, trình tự – thủ tục hoàn công công trình xây dựng nhà ở:

– Chủ đầu tư, nhà thầu thi công chuẩn bị hồ sơ hoàn công;

– Nộp hồ sơ hoàn công tại Văn phòng một cửa tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu xây dựng nhà ở tại nông thôn;

– Văn phòng một cửa tiếp nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ cho Phòng Quản lý đô thị;

– Phòng Quản lý đô thị xem xét hồ sơ: Nếu hồ sơ hợp lệ lập bản dự thảo Tờ trình và Giấy chứng nhận để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký phê duyệt đồng thời lập Phiếu chuyển Chi cục Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Nếu hồ sơ không hợp lệ soạn thảo và ký công văn trả lời người nộp hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do;

– Văn phòng Ủy ban nhân dân trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký Giấy chứng nhận, sau đó chuyển cho Văn phòng một cửa tiếp nhận và trả kết quả để trao Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu;

– Chủ sở hữu đến ngày hẹn lên nhận thông báo về nghĩa vụ tài chính hoặc hồ sơ không hợp lệ đã nộp và công văn trả lời của Phòng Quản lý đô thị. Nếu nhận được thông báo nghĩa vụ tài chính, liên hệ Chi cục Thuế tại địa phương để hoàn tất nghĩa vụ tài chính;

– Chủ sở hữu nhận Giấy chứng nhận hoàn công sau khi cung cấp được biên lai nộp thuế. 

Như vậy sau khi hoàn tất các bước nêu trên, chủ sở hữu, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công đã hoàn thành xong giai đoạn hoàn công, có thể đưa công trình vào sử dụng và thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng). 

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27 (Gặp Ls. Quỳnh Yên)         

Trân trọng!

 

 

 


Bài viết xem thêm