TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ VÀ NGƯỜI GIÁM HỘ TRONG VIỆC BẮT ÉP TRẺ EM LAO ĐỘNG SỚM

Trách nhiệm của cha mẹ và những người thân thích đối với tình trạng trẻ em phải lao động sớm

Hiện nay có rất nhiều lao động trẻ em đang phải lao động mỗi ngày. Vậy khi đó trách nhiệm của cha, mẹ và những người thân thích như thế nào?

Trách nhiệm của cha mẹ phải đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của con cái như ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh… Trẻ em trong những năm đầu đời hoàn toàn không có khả năng lao động nuôi sống bản thân. Đến những năm tiếp theo mặc dù có thể làm một số việc nhưng khả năng lao động của trẻ vẫn chưa đạt được mức độ như người trưởng thành. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, hiện luật lao động có quy định người lao động phải từ 15 tuổi trở lên (trừ một số nghề do Bộ lao động thương binh và xã hội quy định). Như vậy, con dưới 15 tuổi chưa có khả năng tự nuôi sống bản thân, do đó cần đến sự nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ.

Cha mẹ không được có những hành vi đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và sinh hoạt hàng ngày khác và không được nhục mạ mắng chửi con cái, để cho con cái ăn mặc rách rưới, cho ở nơi cực khổ trong khi có điều kiện tốt hơn. Nếu những hành vi này diễn ra một cách thường xuyên và có hệ thống sẽ làm cho con luôn bị dày vò về tình cảm, khổ đau về tinh thần, không thể tự phát triển bình thường về thể chất… và phần nào tổn hại sức khỏe hoặc tuy không diễn ra thường xuyên nhưng được thực hiện một cách đặc biệt tàn nhẫn, gây cho con cái nỗi khiếp sợ và gây sự bất bình lớn đối với quần chúng xung quanh thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Hiện nay dưới tác động của nhiều yếu tố tiêu cực trong xã hội, không ít những bậc cha, mẹ với lỗi sống thực dụng, vụ lợi, vô trách nhiệm đã quên đi lợi ích tương lai của con mình mà có hành vi lạm dụng sức lao động của con cái như bắt con nhỏ đi ăn xin hoặc bỏ học đi làm thuê kiếm tiền hay xúi giục, ép buộc con cái làm những việc phi pháp, trái với đạo đức xã hội, nhằm phục vụ cho mục đích của mình như ép buộc con gái bán dâm, trộm cắp, buôn bán vận chuyển ma túy. Trong trường hợp như vậy cha mẹ không còn là tấ gương, giúp con cái nhìn nhận cuộc sống một cách đúng đắn, lành mạnh phù hợp với lứa tuổi.

Để bảo vệ sự phát triển lành mạnh của trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình 2014 nghiêm cấm cha mẹ lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, đạo đức xã hội

Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ  em. Trong đó tại khoản 1 Điều 9 của nghị định này quy định (Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động): “1. Cha, mẹ, người giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép.”

Mặc dù là chức năng tự nhiên của gia đình, nhưng Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là trách nhiệm trước tiên của cha mẹ, người giám hộ. Quy định này nhằm đề cao vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, khắc phục tình trạng coi nhẹ việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc khắc phục tập quán chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em với tâm lý “trời sinh voi trời sinh cỏ” “ có gì hưởng nấy” làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định “Cha mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nêu rõ “nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em trái qui định của pháp luật, có hại cho sự phát triển bình thường của trẻ em”

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27

 

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm