7 HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ PHỐ BIẾN VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT MỚI NHẤT

Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm bản quyền tác giả mới nhất năm 2019. Các hình thức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Hiện nay hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau, đôi khi người có hành vi xâm phạm và thậm chí là cả tác giả không biết được hành vi của mình là đang xâm phạm bản quyền tác giả của người khác hoặc đang bị người khác xâm phạm. Bản quyền tác giả cũng là một trong những tài sản của công dân, tổ chức được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tương ứng với những quyền lợi nhất định. Khi một người có hành vi xâm phạm đến bản quyền tác giả của người khác thì sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của luật. Hy vọng qua bài viết này, đội ngũ chuyên viên, luật sư của Luật Nhân Hòa sẽ giúp mọi người nắm rõ những quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ để mọi người nhận thức được hành vi của mình tránh xâm phạm đến bản quyền tác giả của người khác, từ đó tránh việc bị xử phạt.

Thứ nhất, khái niệm quyền tác giả:

Khái niệm quyền tác giả được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo đó quyền tác giả là quyền của các cá nhân, tổ chức đối với các tác phẩm mà mình sở hữu hoặc mình sáng tạo ra. Quyền tác giả được pháp luật ghi nhận và bảo hộ.

– Các tổ chức, cá nhân ở đây có thể là nhà văn, nhà thơ, tác giả, nghệ sĩ hoặc là các nhà sáng tạo, sáng tác khác.

– Các tác phẩm được bảo hộ bằng quyền tác giả được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm các tác phẩm âm nhạc, báo chí, sân khấu, điện ảnh hoặc các tác phẩm khác tương tự; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Các tác phẩm ở lĩnh vực văn học, sách giáo khoa, giáo trình, khoa học và các tác phẩm khác được tác giả thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc loại ký tự khác; Các bài giảng, bài phát biểu và bài thuyết trình, thuyết minh của người khác; Các tác phẩm tạo hình, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng; Bản đồ, sơ đồ, họa đồ, bản vẽ về địa hình, công trình khoa học; Các sưu tập dữ liệu và chương trình máy tính.

Thứ hai, hành vi xâm phạm bản quyền tác giả:

Hành vi xâm phạm bản quyền tác giả là hành vi xảy ra thường xuyên trong đời sống, dưới rất nhiều hành vi, cách thức khác nhau. Dưới đây chúng tôi thống kê các hành vi xâm phạm bản quyền tác giả được pháp luật ghi nhận, nếu các tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây thì bị coi là xâm phậm bản quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

– Cá nhân, tổ chức giả danh tác giả của tác phẩm;

– Chiếm đoạt quyền tác giả của người khác đối với các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật;

– Khi không được phép của tác giả hoặc đồng tác giả mà thực hiện các hành vi sau: công bố, phân phối, sao chép tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; sử dụng tác phẩm, cho thuê tác phẩm mà khi sử dụng, cho thuê không trả tiền nhuận bút, tiền thù lao hay các lợi ích vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; có hành vi nhân bản hoặc sản xuất bản sao, trưng bày, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến mọi người thông qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số khác; xuất bản hoặc xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối các bản sao tác phẩm của tác giả;

– Tiến hành thay đổi, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ một hình thức nào ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả;

– Cố ý huỷ bỏ hoặc vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc cố ý thay đổi, xóa thông tin quản lý ở hình thức điện tử có trong tác phẩm của tác giả;

– Giả mạo chữ ký của tác giả khi sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường để hợp pháp hóa hoặc gây nhầm lẫn cho mọi người nhằm thực hiện hành vi, ý đồ của mình;

– Khi tác giả sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền tác giả của mình mà cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, biến đổi, lắp ráp, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê các loại trang thiết bị có thể làm vô hiệu các biện pháp bảo vệ quyền tác giả nêu trên.

Thứ ba, mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả:

Đối với các hành vi xâm phạm đến bản quyền tác giả của người khác thì tùy từng trường hợp và hành vi xâm phạm mà có mức hình phạt khác nhau. Đối với các hành vi sau khi chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà tự ý thực hiện thì mức phạt được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Một là, phạt tiền:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu:

+ Sử dụng tác phẩm nhưng không nêu rõ tên, bút danh của tác giả; tên của tác phẩm hoặc nêu không đúng tên của tác giả, bút danh tác giả, tên tác phẩm trên các bản sao của tác phẩm, hương trình phát sóng, bản ghi âm, ghi hình thì bị phạt tiền  và buộc cải chính hoặc sửa lại thông tin sai lệch;

+ Có hành vi không nêu tên hoặc nêu không đúng tên của người biểu diễn trong bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trên song truyền hình vô tuyến hoặc trực tuyến;

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu:

+ Vận chuyển hàng hóa do sao chép lậu;

+ Tiến hành tự ý sửa chữa, thay đổi tác phẩm mà hậu quả gây ra làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tác giả;

+ Cá nhân, tổ chức cố ý xóa hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền tác giả dưới hình thức điện tử (áp dụng đối với bản gốc và bản sao tác phẩm);

+ Giả mạo danh tính người biểu diễn để biểu diễn tác phẩm của họ;

+ Tự ý sửa chữa, cắt giảm hình tượng biểu diễn của chủ sở hữu quyền tác giả mà hậu quả là gây phương hại đến danh dự, uy tín của người biểu diễn tác phẩm;

+ Cá nhân, tổ chức không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn mà có hành vi định hình cuộc biểu diễn trực tiếp trên bản các bản ghi hình, ghi âm;

+ Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu:

+ Hàng hóa sao chép lậu không nộp cho cơ quan có thẩm quyền mà tàng trữ tại nơi ở hoặc một nơi khác;

+ Xuyên tạc tác phẩm theo một ý nghĩa khác, nội dung khác;

+ Công bố tác phẩm trái phép;

+ Làm tác phẩm phái sinh khi không được sự cho phép của tác giả;

+ Biểu diễn tác phẩm công khai trực tiếp trước công chúng;

+ Cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính (bản gốc hoặc bản sao) trái phép;

+ Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật hoặc công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả sử dụng để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;

+ Xuyên tạc hình tượng biểu diễn của người biểu diễn dẫn đến danh dự, uy tín của họ bị ảnh hưởng;

+ Sử dụng các bản ghi âm, ghi hình đã được tác giả công bố nhằm phục vụ mục đích thương mại (trong các nhà hàng, cơ sở du lịch, siêu thị, cửa hàng buôn bán mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định;

+ Trích ghép các bản ghi âm, ghi hình khi chưa được phép của nhà sản xuất;

+ Có hành vi cố ý hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được chủ sở hữu thiết lập để bảo vệ quyền của họ;

– Phạt tiền ở mức 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng:

+ Biểu diễn tác phẩm công khai qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc các phương tiện kỹ thuật khác để công chúng biết được mà không nhận được sự đồng ý của tác giả;

+ Làm giả, giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm của tác giả đó;

+ Cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho mục đích thương mại của mình mà phát sóng các bản ghi âm, ghi hình đã được tác giả công bố hoặc sử dụng vào mục đích thương mại trong hàng không, phương tiện giao thông công cộng hoặc các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền cho chủ sở hữu bản quyền tác giả này;

+ Định hình chương trình phát sóng khi chưa được phép;

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu:

+ Tiến hành sản xuất, lắp ráp, thay đổi, phân phối, xuất-nhập khẩu, bán hoặc cho thuê các thiết bị hoặc các hệ thống có tác dụng làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật, biện pháp công nghệ mà tác giả bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của chính mình;

+ Trích ghép chương trình phát sóng vô tuyến, trực tuyến;

+ Phân phối, phát sóng, nhập khẩu để phân phối đến công chúng của cuộc biểu diễn (bản gốc hoặc bản sao đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình) khi các thông tin quản lý quyền tác giả đã được thay đổi, gỡ bỏ (chỉ áp dụng đối với hình thức đăng tải điện tử);

– Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu:

+ Tự ý phân phối sản phẩm;

+ Có hành vi phân phối, truyền đến mọi người bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn;

+ Thực hiện việc phân phối đến công chúng bản ghi âm, ghi hình dưới dạng bản gốc hoặc bản sao mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình;

+ Phân phối, phát tán đến công chúng bản sao các chương trình phát sóng trái phép;

– Phạt tiền 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu:

+ Kinh doanh karaoke, bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà có sử dụng file ghi âm, ghi hình đã công bố công khai để phục vụ mục đích thương mại mà không trả tiền sử dụng;

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu:

+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến, hữu tuyến, các mạng thông tin điện tử hoặc các phương tiện kỹ thuật khác trái phép;

– Phạt tiền 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng nếu:

+ Sao chép tác phẩm;

+ Sao chép các cuộc biểu diễn đã được định hình trên các bản, file ghi âm, ghi hình;

+ Sao chép các file ghi âm, ghi hình khi không nhận được sự cho phép của chủ sở hữu quyền của các nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình đó;

+ Sao chép các bản định hình của chương trình phát sóng;

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu:

+ Lắp ráp, biến đổi nguyên trạng ban đầu của sản phẩm, sản xuất, phân phối, xuất – nhập khẩu sản phẩm, có hành vi bán hoặc cho thuê lại các thiết bị, hệ thống giải mã một cách trái phép tín hiệu vệ tinh mang các chương trình đã được mã hóa dữ liệu;

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu:

+ Thực hiện hành vi phát sóng hoặc truyền theo các phương thức khác đến công chúng của cuộc biểu diễn chưa được định hình, tuy nhiên nếu cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng thì không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền tác giả vẫn có thể được phát sóng mà không bị vi phạm (ví dụ: phát sóng thử để kiểm nghiệm chương trình,…);

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu có hành vi cố ý thu, phân phối các tín hiệu vệ tinh mang của chương trình được chủ sở hữu mã hóa khi không được người phân phối hợp pháp của sản phẩm cho phép;

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu:

+ Phát sóng hoặc tái phát sóng các chương trình phát sóng vô truyến, trực tuyến, truyền hình khi chưa được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng chương trình;

– Phạt tiền 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu: Nhập khẩu bản gốc, bản sao tác phẩm trái phép.

Hai là, hình phạt bổ sung:

Ngoài hình phạt tiền thì tương ứng với các hành vi vi phạm thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung khác như:

– Tịch thu, tiêu hủy, tái xuất tang vật vi phạm;

– Cải chính công khai, sửa lại các nội dung sai lệch khi công bố;

– Dỡ bỏ các bản sao, bản gốc tác phẩm nếu công khai dưới hình thức đăng tải điện tử, trên môi trường mạng Internet, kỹ thuật số.

Như vậy, có rất nhiều hành vi xâm phạm bản quyền tác giả được pháp luật ghi nhận và tương ứng với các hành vi này cũng có những khung phạt tiền nhất định, với mức xử phạt khá cao nhằm răn đe các cá nhân, tổ chức và nhằm bảo đảm quyền lợi của tác giả. 

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27                                            

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm