Bộ luật dân sự 2015 có những quy định mới về vấn đề thừa kế trên có sở kế thừa, phát huy các quy định phù hợp trong BLDS 2005 và khắc phục, sửa đổi, bổ sung những điểm chưa phù hợp trong thực tiến áp dụng. Cụ thể, các quy định mới về thừa kế của BLDS 2015 như sau:
Thứ nhất: Quyền thừa kế.
Trong BLDS 2005 chỉ quy định cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tuy nhiên, đến BLDS 2015 đã có sự thay khi có thêm cả quy định người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Thứ hai: Quyền quản lý di sản.
Ngoài các quyền của người quản lý di sản được quy định tại BLDS 2005, tới BLDS 2015 còn bổ sung thêm một số quyền khác:
– Người quản lí di sản được hưởng thêm tiền thanh toán chi phí bảo quản di sản
– Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý (khoản 3, Điều 618 BLDS 2015).
Thứ ba, Về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này, các người thừa kế không được quyền tranh chấp về thừa kế.
Bộ luật dân sự 2015 vẫn giữ nguyên thời hạn người để tranh chấp về tư cách của người thừa kế tuy nhiên có sự điều chỉnh về thời hạn yêu cầu chia thời kế. Tức là nếu quá thời hạn 10 năm kể từ ngày mở thừa kế thì không còn quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác đồng thời với việc không còn quyền yêu cầu chia di sản thừa kế.Tuy nhiên khi đã được thừa nhận tư cách thừa kế thì thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm, với động sản là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế.
Thứ tư: Từ chối nhận di sản.
Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ quy định từ chối nhận di sản thừa kế sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Thay vào đó là quy định linh hoạt hơn về thời gian từ chối nhận thừa kế đó là “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trược thời điểm phân chia di sản”.
Thứ năm: Hình thức của di chúc, nội dung di chúc
– Hình thức di chúc, theo Điều 628,629, BLDS 2015 thì:
“Điều 628. Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”
Như vậy, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc bằng miệng.
Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình. Tuy nhiên, BLDS 2015 đã lược bỏ đi quy định người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
– Nội dung của di chúc theo BLDS 2015 còn được bổ sung thêm quy định “ Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.
– Ngoài ra, di chúc bằng văn bản có người làm chứng được bổ sung thêm quy định cho phép đánh máy để phù hợp với thực tế hiện nay (Điều 634 BLDS 2015).
Thứ sáu, Thứ tự ưu tiên thanh toán
Bộ luật dân sự 2015 đã quy định lại thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
Chi phí cho việc bảo quản di sản.
Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
Tiền công lao động.
Tiền bồi thường thiệt hại.
Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
Tiền phạt.
Các chi phí khác.
Thứ bảy: Hạn chế phân chia di sản
Theo BLDS 2015 thì trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Thứ 8, Giải quyết di sản không có người nhận
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng cách thức xử lý đối với những di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện 30 năm hoặc 10 năm. Hết thời hạn khởi kiện về thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Nếu người đang quản lý di sản là người đang chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì khi hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản di sản thuộc quyền sở hữu của người người này;
+ Trong trường hợp không có người đang quản lý di sản thì hết thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế thuộc về Nhà nước.
Người quản lý di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự là người được người để lại thừa kế chỉ định trong di chúc, hoặc người do các đồng thừa kế lựa chọn. Trường hợp người để lại thừa kế không chỉ định và các đồng thừa kế cũng không lựa chọn thì người đang quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản.
So với quy định của bộ luật 2005, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định cách xử lý với di sản không có người nhận cụ thể, rõ ràng hơn, làm cơ sở để giải quyết những tranh chấp vướng mắc trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, cách thức xác định tư cách của người thừa kế như thế nào thì trong bộ luật dân sự vẫn chưa quy định rõ, nếu không có quy định cụ thể thì quy định này sẽ mất đi ý nghĩa của nó.
Thứ 9, Các trường hợp di chúc có giá trị pháp lí như được công chứng
Trong một số trường hợp, người lập di chúc mong muốn nhưng không có điều kiện để công chứng, chứng thực di chúc, Điều 638 bộ luật dân sự 2015 đã thừa nhận giá trị của di chúc trong một số trường hợp như di chúc được công chứng, chứng thực. Các trường hợp đó là:
- Di chúc của quân nhân tại đơn vị có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, trong trường hợp quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy tàu biển, máy bay đó vào di chúc.
- Di chúc của người điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.
- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở các vùng rừng núi, hải đảo đã có xác nhận của người phụ trách đơn vị trong di chúc.
- Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó vào di chúc văn bản.
- Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải với hiệu quả cao nhất và mức chi phí hợp lý nhất.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!