Người Việt Nam vốn coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, luôn xem đây là trách nhiệm hệ trọng, thiêng liêng của con cháu để thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục. Vì thế, Nhà nước ta rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân cho nên tại Điều 645 BLDS 2015 đã cho phép người lập di chúc có quyền dành một phần di sản trong khối di sản để thờ cúng. Để phục vụ cho việc thờ cúng, di sản thường được để lại là nhà thờ, nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Qua đó, thấy được giá trị của khối di sản này là khá lớn, trong khi đó các quy định của pháp luật về di sản thờ cúng còn quá ít và sơ lược, chỉ được dự liệu tại một Điều 645 BLDS 2015. Các điều luật quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đều được BLDS 2015 ghi nhận trong chương thừa kế theo di chúc, có nghĩa là pháp luật chỉ công nhận ý chí của người để lại di sản quyền sử dụng đất trong trường hợp người đó để lại di chúc và nêu rõ việc để lại một phần di sản quyền sử dụng đất của mình vào việc thờ cúng.
Điều 645 BLDS 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng là di sản không chia và giao cho người được chỉ định trong di chúc. Trường hợp, di chúc không chỉ định người quản lí dùng vào việc thờ cúng, thì những người thừa kế thỏa thuận giao di sản dùng vào việc thờ cúng cho một người thừa kế trông coi, sử dụng. Người quản lí di sản có thể là con hoặc cháu của người đã chết, họ có điều kiện trông coi, quản lí, duy trì, phát triển di sản dùng vào việc thờ cúng. Người quản lí di sản thờ cúng sẽ thực hiện việc thờ cúng người có tài sản chết vào ngày giỗ, tết. Việc thờ cúng này được thực hiện theo tập quán của từng địa phương, pháp luật không quy định cụ thể về người thực hiện việc thờ cúng và người quản lí di sản dùng vào viẹc thờ cúng. Đây cũng là sự khác biệt giữa pháp luật của Nhà nước ta và pháp luật thời phong kiến thuộc địa và luật cổ Việt Nam.
Di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 645 BLDS 2015:
“Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Theo nội dung của điều luật này, có một số vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, người lập di chúc có dành một phần làm di sản thờ cúng thì phần di sản đó giao cho người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận giao cho một người quản lí. Như vậy, cần phải hiểu thế nào là một phần di sản và nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá một phần thì di chúc có giá trị hay không.
Theo quy định, toàn bộ tài sản của người chết là một khối di sản, một phần của một khối di sản đó sẽ là: nếu chia di sản ra làm hai hay nhiều phần thì người lập di chúc không được dành lại quá một phần của khối di sản đó. Do vậy, nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá 1/2 di sản, khi mở thừa kế sẽ để lại 1/2 di sản để thờ cúng, phần còn lại chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật. Vấn đề này cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để tránh việc áp dụng tùy tiện.
Thứ hai, tại đoạn 3 khoản 1 Điều 645 BLDS 2015 quy định:
“…Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Quy định này có thể hiểu là người để lại thừa kế phải lập di chúc cho tất cả người thừa kế hàng thứ nhất, sau khi những người này chết, di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người thừa kế đang quản lí di sản. Quy định này chưa phù hợp với thực tế và mâu thuẫn với Điều 645 BLDS 2015 như trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều chết nhưng thời hiệu thừa kế chưa hết thì tại sao di sản lại thuộc về người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì những lí do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định khác về thừa kế và phong tục tập quán của nhân dân ta.
Ở khoản 2 Điều 645 BLDS 2015 quy định:
“Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó, thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Quy định này nhằm bảo vệ người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc, khi di sản còn lại chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại, thì phải dùng phần di sản dùng vào việc thờ cúng thực hiện nghĩa vụ đó. Thờ cúng là một nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta, thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết.Giáo dục người xung quanh kính trọng những người bậc trên đã chết và nhớ công ơn của họ.Vì vậy, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các truyền thống tốt đẹp đó, cho phép cá nhân dành một phần tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng.Phần tài sản này không coi là di sản thừa kế.
Di sản dùng vào việc thờ cúng được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lí. Di sản này có thể là một tài sản cụ thể. Nếu là tài sản hoặc cây lâu lăm, người quản lí có thể thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình. Không có quyền định đoạt di sản này.Trường hợp người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng mà không có điều kiện để tiếp tục quản lí di sản đó, những người thừa kế sẽ thỏa thuận giao cho người khác quản lí.
Điều 645 BLDS 2015 không có quy định về tính chất của di sản dùng vào việc thờ cúng (không định tính), mà chỉ định lượng phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Người lập di chúc có thể định đoạt bất kì tài sản nào trong khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình dùng vào việc thờ cúng. Vì vậy, trong thực tế có trường hợp người để lại di sản vừa dành một phần di sản cho thờ cúng, vừa dành một phần di sản để di tặng. Song khi thực tế nghĩa vụ, di sản còn lại không đủ để thanh toán thì sẽ dùng di sản thờ cúng để thanh toán nghĩa vụ hay dùng di sản dùng cho di tặng để thanh toán.
Một khía cạnh đặc biệt quan trọng trong vấn đề quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng là khi nào quyền sử dụng dùng cho việc thờ cúng sẽ chấm dứt, khi nào thì quyền sử dụng đất đó tiếp tục được tham gia vào giao dịch dân sự. Chúng ta không thể để cho một khối tài sản, của cải lớn mãi nằm bất động gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia. BLDS 2005 có một quy định liên quan đến vấn đề này “trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.” Tuy nhiên, quy định này khá khó hiểu và đặt ra rất nhiều vướng mắc cần giải quyết. Trong trường hợp người quản lý quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng không phải là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản mà những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng cũng không thuộc sở hữu của người đang quản lý, vậy nó thuộc về ai? Hoặc trường hợp, không có người thừa kế theo di chúc khi đó di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ được giải quyết theo quy định nào và nó thuộc về ai khi người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng chết? Tại sao khi những người thừa kế theo di chúc chết đi thì quyền sử dụng đất thờ cúng lại thuộc về người thừa kế theo pháp luật đang quản lý quyền sử dụng đất đó? Nếu những người thừa kế theo pháp luật chết đi nhưng những người thừa kế theo di chúc còn sống thì sao?Thiết nghĩ, nên có quy định thoáng hơn về vấn đề này để dễ dàng xác định trong mọi tình huống, chẳng hạn như: sau 3 đời, quyền quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng sẽ thuộc về người đang quản lý hợp pháp, nếu người này thực hiện đúng, đầy đủ việc thờ cúng theo di chúc hoặc theo thỏa thuận của những người thừa kế, nếu không quyền sử dụng đất này sẽ thuộc về những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Việc thiếu các quy định của pháp luật về vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho người để, người nhận quyền sử dụng đất thờ cúng mà chính các thẩm phán giải quyết những vụ án liên quan cũng gặp mâu thuẫn.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!