Nghỉ hưu trước tuổi: Điều kiện, mức lương, hồ sơ thủ tục về hưu sớm. Nghỉ hưu trước tuổi bị trừ bao nhiêu phần trăm lương hưu.
Con người khi gần đến tuổi về già thường cố gắng tích lũy để có một chút “của để dành”, với tâm lý không muốn trở thành “gánh nặng” cho con cháu lúc tuổi già. Với tâm lý như vậy, nhiều người lao động luôn cố gắng đóng bảo hiểm để đáp ứng điều kiện để nghỉ hưu. Tuy nhiên, cuộc sống không ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên một số người dù muốn cũng không thể chờ được đến thời điểm họ đủ điều kiện nghỉ hưu: về độ tuổi và về số năm đóng bảo hiểm. Do vậy, thay vì chờ đợi đến khi đủ điều kiện độ tuổi để nghỉ hưu, nhiều người lao động lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi khi đã đóng được 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Vậy điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi là gì? Mức lương và hồ sơ để được nghỉ hưu sớm như thế nào. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Nhân Hòa sẽ đề cập đến các vấn đề của nghỉ hưu trước tuổi: Điều kiện, mức lương, hồ sơ và thủ tục để về hưu sớm.
Hiện nay về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi được quy định cụ thể tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau.
Thứ nhất, về điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi.
Đối với người lao động nói chung, hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, để có thể nghỉ hưu trước tuổi được quy định tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
Năm nghỉ hưởng lương hưu |
Điều kiện về tuổi đời đối với nam |
Điều kiện về tuổi đời đối với nữ |
2016 |
Đủ 51 tuổi |
Đủ 46 tuổi |
2017 |
Đủ 52 tuổi |
Đủ 47 tuổi |
2018 |
Đủ 53 tuổi |
Đủ 48 tuổi |
2019 |
Đủ 54 tuổi |
Đủ 49 tuổi |
Từ 2020 trở đi |
Đủ 55 tuổi |
Đủ 50 tuổi |
– Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hoặc là cán bộ, công chức, viên chức,… và các trường hợp đóng bảo hiểm khác được quy định tại điểm a, b, c, d, g, h, i khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (sau đây gọi tắt là người lao động) thì họ có thể nghỉ hưu trước tuổi khi đã đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và thuộc một trong các trường hợp:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:
- Người lao động sau khi giám định y khoa mà xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và đáp ứng về độ tuổi, theo đó: nam phải từ đủ 50 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên.
- Người lao động khi nghỉ việc mà đi giám định và có kết quả bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và trong suốt thời gian tham gia bảo hiểm, có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
– Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; công an nhân dân…. thuộc các trường hợp được quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trường hợp này, họ có thể nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng đủ từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Nam từ đủ 50 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên;
Trong từ 20 năm trở lên tham gia bảo hiểm xã hội, họ đã có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục mà pháp luật quy định.
Có thể thấy, khi người lao động chưa đáp ứng điều kiện để nghỉ hưu mà có nguyện vọng muốn nghỉ hưu trước tuổi thì tùy vào từng trường hợp, từng đối tượng mà họ sẽ cần đáp ứng những điều kiện khác nhau, nhưng về cơ bản họ đều phải đáp ứng điều kiện đóng từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Nếu họ không đáp ứng điều kiện về độ tuổi để nghỉ hưu mà cũng đồng thời không đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì họ sẽ không thể nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài việc đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì họ tùy vào từng trường hợp họ cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác như: đạt được độ tuổi nhất định, bị suy giảm khả năng lao động hoặc đáp ứng điều kiện về thời gian làm việc trong môi trường hoặc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
Ngoài ra, trong trường hợp người tham gia bảo hiểm là cán bộ, công chức, viên chức, hoặc người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, hoặc người giữ chức vụ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước, hoặc trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do các tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu… và các trường hợp khác thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì ngoài việc được nghỉ hưu trước tuổi theo diện suy giảm khả năng lao động theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người tham gia bảo hiểm còn có thể nghỉ hưu theo diện tinh giảm biên chế theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Cụ thể: Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ, được sửa đổi bởi khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP thì người lao động được nghỉ hưu trước tuổi theo diện bị tinh giảm biên chế khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Người lao động là đối tượng bị tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
– Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.
– Đáp ứng điều kiện về độ tuổi theo quy định của pháp luật, cụ thể thuộc một trong các trường hợp sau:
- Từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, từ đủ 45 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ đồng thời đáp ứng điều kiện trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của họ có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ lao động – Thương binh xã hội và Bộ y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Từ đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp, mà người lao động phải đáp ứng những điều kiện nhất định thì mới có thể nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.
Thứ hai, về mức hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi.
Như đã phân tích ở trên, hiện nay, tùy vào từng đối tượng áp dụng mà người lao động có thể nghỉ hưu trước tuổi theo diện bị suy giảm khả năng lao động theo quy định của Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội (áp dụng chung cho tất cả người lao động) hoặc nghỉ hưu trước tuổi theo diện bị tinh giảm biên chế theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP (áp dụng cho một số đối tượng người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, công ty có vốn nhà nước hoặc tổ chức chính trị – xã hội). Trên cơ sở căn cứ nghỉ hưu trước tuổi theo diện nào thì việc xác định mức lương hưu mà người lao động được nhận khi nghỉ hưu trước tuổi sẽ có sự khác biệt nhất định. Cụ thể:
- Đối với trường hợp nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động.
Đối với trường hợp người lao động nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động theo nội dung quy định tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức lương hưu mà người lao động được nhận khi nghỉ hưu trước tuổi sẽ được xác định theo khoản 3 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, cụ thể được xác định như sau:
Mức lương hưu hàng tháng được nhận = tỷ lệ lương hưu x (nhân) mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó:
– Tỷ lệ lương hưu được xác định như sau:
+ Đối với lao động nữ: Thời điểm này là năm 2019, nên áp dụng cách tính lương hưu khi lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi, thì tỷ lệ lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm được tính thêm 2% cho mỗi năm; mức tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, do nghỉ hưu trước tuổi, nên khi tính tỷ lệ lương hưu cho người lao động này thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, họ sẽ bị trừ đi (giảm đi) 2%.
+ Đối với lao động nam: Cũng tương tự với lao động nữ, do lao động năm nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi, nên công thức tính lương hưu của nam giới sẽ được xác định theo lộ trình. Theo đó, tỷ lệ lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng sau:
Năm nghỉ hưu |
Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% |
2018 |
16 năm |
2019 |
17 năm |
2020 |
18 năm |
2021 |
19 năm |
Từ 2022 trở đi |
20 năm |
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính thêm 2% cho mỗi năm, mức tối đa hưởng tỷ lệ lương hưu là 75%. Tuy nhiên, do nghỉ hưu trước tuổi, nên khi tính tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi, thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động này sẽ bị trừ đi 2%.
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội: Được xác định theo quy định tại Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, và tùy thuộc vào việc người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hay thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định hoặc thời gian tham gia bảo hiểm người lao động tham gia theo cả hai chế độ tiền lương mà cách xác định cũng có sự khác nhau nhất định.
Trên cơ sở các căn cứ nêu trên thì người lao động có thể xác định được mức lương hưu hàng tháng mà họ được nhận khi được nghỉ hưu trước tuổi. Đối với trường hợp đủ điều kiện để nghỉ hưu sớm (nghỉ hưu trước tuổi) do bị suy giảm khả năng lao động thì thời điểm đủ điều kiện để người lao động hưởng lương hưu được xác định là ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động theo các trường hợp theo quy định.
- Đối với trường hợp nghỉ theo diện bị tinh giảm biên chế.
Đối với các trường hợp đủ điều kiện để được nghỉ hưu sớm theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, thì căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP, những trường hợp nghỉ hưu theo diện bị tinh giảm biên chế vẫn được hưởng chế độ lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Chính bởi vậy, có thể hiểu, người thuộc đối tượng và đủ điều kiện để nghỉ hưu theo diện bị tinh giảm biên chế sẽ có cách tính mức tiền lương hưu như trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức tiền lương hưu của người lao động được xác định:
Mức tiền lương hưu hàng tháng được nhận = Tỷ lệ lương hưu x (nhân) mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó:
+ Đối với lao động nữ: Thời điểm này là năm 2019, nên áp dụng cách tính cho lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi thì mức lương hưu hàng tháng mà lao động nữ đủ điều kiện nghỉ hưu sớm trước tuổi trong diện bị tinh giảm biên chế được xác định như trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi và được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm sẽ được tính thêm 2%; và mức hưởng tối đa bằng 75%.
Năm nghỉ hưu |
Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% |
2018 |
16 năm |
2019 |
17 năm |
2020 |
18 năm |
2021 |
19 năm |
Từ 2022 trở đi |
20 năm |
+ Đối với lao động nam: Thời điểm này là năm 2019, nên nếu lao động nam nghỉ hưu theo diện tinh giảm biên chế thì giống như trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi, cách tính lương hưu sẽ được xác định như sau: mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội, xác định theo bảng sau đây:
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính thêm 2% cho mỗi năm. Trong đó, theo quy định, tỷ lệ lương hưu được hưởng tối đa chỉ được xác định là 75%.
Trên đây là cách tính mức tiền lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu theo chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Trong đó, mức bình quân tiền lương cũng được xác định theo Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Thứ ba, hồ sơ và thủ tục để được nghỉ hưu trước tuổi:
- Về hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 108 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 19 Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016 thì hồ sơ hưởng lương hưu được xác định gồm những giấy tờ sau:
– Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính).
– Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí do người sử dụng lao động cấp.
– Biên bản giám định mức độ suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Về thủ tục để được giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi.
Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định thì:
– Khi xác định được người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi thì trong vòng 30 ngày tính từ ngày họ đủ điều kiện nghỉ hưu sớm, người sử dụng lao động sẽ nộp hồ sơ hưởng lương hưu đã được chuẩn bị lên cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trường hợp người lao động là người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đang chờ hưởng lương hưu, nghỉ việc chờ hưu thì trong thời gian 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu thì họ phải nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Sau khi nhận được đủ hồ sơ từ người lao động hoặc người sử dụng lao động thì trong khoảng thời gian 20 ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phải giải quyết và tổ chức chi trả tiền cho người lao động. Trường hợp nếu không giải quyết thì cũng phải có văn bản trả lời cho người nộp hồ sơ theo quy định.
Ngoài ra, đối với trường hợp người lao động nghỉ hưu theo diện bị tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì thủ tục, cũng như hồ sơ hưởng lương hưu vẫn được xác định theo thủ tục chung nêu trên, tuy nhiên trước khi thực hiện thủ tục này, thì phải thực việc tinh giảm biên chế theo quy định trước.
Như vậy, dù nghỉ hưu trước tuổi theo diện nào, là nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động hay nghỉ hưu do bị tinh giảm biên chế theo quy định của Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì người lao động cũng chỉ có thể nghỉ hưu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, đồng thời đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Chính sách nghỉ hưu trước tuổi là một trong những quy định tạo điều kiện cho người lao động có thể được hưởng lương hưu trước hạn tuổi, giảm bớt lo lắng của họ khi đến tuổi “xế chiều”.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!