CON NGOÀI GIÁ THÚ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ CỦA CHA KHÔNG?

Con ngoài giá thú hay còn được hiểu là con sinh ra giữa những người không có quan hệ hôn nhân với nhau, giữa những người chưa có vợ/chồng với những người đã có vợ chồng hay giữa những người đã có vợ/chồng nhưng lại sinh con với những người đã có vợ/chồng khác mà không được sự công nhận hôn nhân hợp pháp. Câu hỏi đặt ra là khi người cha trong mối quan hệ đó qua đời, liệu đứa con chung của họ có được thừa hưởng di sản của người đã mất?

  1. 1.     Quyền và nghĩa vụ của con ngoài giá thú

Theo khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

Có thể thấy, mặc dù mối quan hệ tình cảm giữa những người không phải vợ - chồng không được pháp luật công nhận nhưng để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ, pháp luật cũng đã có những quy định nhất định nhằm bảo đảm được lợi ích của con ngoài giá thú, tạo điều kiện để con trẻ được học tập và phát triển như những trẻ em khác.

Theo quy định trên, con trong giá thú hay con ngoài giá thú đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ. Vậy, con ngoài giá thú có được hưởng di sản của cha? Tùy từng trường hợp cụ thể mới có thể xác định được quyền thừa kế của con ngoài giá thú, vì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ tuổi của người con hay sự tồn tại của di chúc.

  1. 2.     Trường hợp thừa kế theo di chúc

Khi người cha qua đời mà có để lại di chúc, sẽ có 02 trường hợp xảy ra:

+ Trường hợp 1: Người cha có để lại tài sản của mình cho con ngoài giá thú.

Theo Điều 609 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về quyền thừa kế xác định: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Cùng với đó, pháp luật cũng bình đẳng hóa quyền được hưởng thừa kế của cá nhân không phân biệt bất cứ ai, cụ thể: Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Bất cứ một cá nhân nào còn sống, không thuộc trường hợp bị truất thừa kế hoặc tự nguyện từ chối không nhận thừa kế, không thuộc đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ Luật Dân sự 2015 thì đều có quyền được hưởng thừa kế.

Như vậy, nếu người cha lập di chúc để lại di sản cho con ngoài giá thú thì người con vẫn có thể có quyền thừa kế theo quy định pháp luật.

+ Trường hợp 2: Người cha không để lại tài sản cho con ngoài giá thú.

Theo quy định tại Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015, con chưa thành niên hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.

 Vậy, trong trường hợp chứng minh được mối quan hệ cha – con (ví dụ như thông qua kết quả xét nghiệm ADN) và con ngoài giá thú là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì người con vẫn được hưởng một phần di sản theo quy định pháp luật, không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

  1. 3.     Trường hợp thừa kế theo pháp luật

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật bao gồm: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Bên cạnh đó, khoản 2 điều này quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định phân phân biệt quyền thừa kế theo pháp luật của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với di sản của cha để lại. Theo đó, con ngoài giá thú sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất nếu có chứng cứ chứng minh được quan hệ cha con và được hưởng di sản thừa kế tương đương với phần của những người thuộc hàng thừa kế đó.

Như vậy, ngay cả khi không có di chúc, con ngoài giá thú vẫn có thể có quyền thừa kế di sản của người cha nếu chứng minh được quan hệ cha con của họ.

Trên đây là bài viết “Con ngoài giá thú có được hưởng di sản từ cha không?”. Chúng tôi hy vọng Quý khách hàng có thể vận dụng các thông tin trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có nhu cầu tư vấn pháp luật thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế. Quý khách hàng vui lòng gọi điện tới tổng đài 0915.27.05.27 của Công ty Luật Nhân Hòa để được tư vấn.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm