NGƯỢC ĐÃI CHA MẸ CÓ BỊ TRUẤT QUYỀN THỪA KẾ KHÔNG?

Ngược đãi cha mẹ được hiểu là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, đồng thời cũng là hành vi vi phạm đạ đức nghiêm trọng và bị xã hội lên án gay gắt, được biểu hiện bởi những hành vi như mắng chửi, cố tình bỏ đói mặc dù có điều kiện, đánh đập, giam hãm làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần. Vậy người có hành vi ngược đãi cha mẹ có bị truất quyền thừa kế không? – Đây là nội dung chính của bài viết mà Luật Nhân Hòa muốn thông tin thêm cho Quý bạn đọc.

1.  Hành vi ngược đãi cha mẹ theo quy định pháp luật

Theo khoản 7.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, hành vi ngược đãi được thể hiện qua các hành động sau:

+ Đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường;

+ Hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.

Đối tượng của hành vi ngược đãi trên không chỉ có cha mẹ mà còn bao gồm:

+ Ông bà nội, ông bà ngoại;

+ Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Như vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi người con. Nếu một người không những không chăm sóc cha mẹ mà còn có hành vi ngược đãi cha mẹ thì người này đã vi phạm nghĩa vụ theo quy định pháp luật và vi phạm đạo đức nặng nề.

2. Các trường hợp bị truất quyền thừa kế theo quy định của bộ luật dân sự 2015

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thực tế, quyền của người lập di chúc không chỉ dừng lại ở việc chuyển tài sản của mình cho ai mà còn có quyền:

+ Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

+ Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

+ Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

+ Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

+ Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như vậy, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế là một quyền của người lập di chúc (theo quy định tại Khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015). Trong đó truất quyền thừa kế là việc người có tài sản hủy bỏ tư cách thừa kế của người thừa kế từ đó người thừa kế không được nhận di sản thừa kế. Mà di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của cá nhân, nên cá nhân có quyền định đoạt bất cứ thứ gì trong phạm vi quyền của mình trong di chúc ấy, bao gồm cả việc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế mà không cần thỏa thuận với người bị truất quyền hoặc không cần căn cứ vào việc người thừa kế đó đã có hành vi ngược đãi người để lại di sản để truất quyền.

3. Những trường hợp không được quyền hưởng di sản

Tuy nhiên, trong trường hợp người thừa kế đã có hành vi ngược đãi cha mẹ nhưng cha mẹ không để lại di chúc thì pháp luật đã có quy phạm riêng để điều chỉnh không cho những người có hành vi ngược đãi cha mẹ hưởng di sản. Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về người không được quyền hưởng di sản, bao gồm:

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

+  Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Lưu ý: Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Tóm lại, hành vi ngược đãi cha mẹ có thể bị truất quyền thừa kế nếu trong di chúc của cha mẹ có nội dung truất quyền thừa kế đối với người thừa kế có hành vi ngược đãi hoặc cha mẹ không lập di chúc. Ngoài ra, nếu cha mẹ biết về hành vi ngược đãi nhưng vẫn cho hưởng di sản theo di chúc thì người thực hiện hành vi ngược đãi cha mẹ vẫn được hưởng quyền thừa kế theo di chúc.

Bài viết trên đây đã giải đáp cho vấn đề “ngược đãi cha mẹ có bị truất quyền thừa kế không?”. Thông qua bài viết này, Luật Nhân Hòa hy vọng có thể cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu bạn đọc có câu hỏi về bài viết hoặc có vẫn đề pháp lý liên quan đến thừa kế, lập di chúc,… vui lòng liên hệ hotline 0915.27.05.27 để được Luật sư công ty chúng tôi hỗ trợ kịp thời.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, p. Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm