BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều những tình huống mà ta không thể lường trước mà gây ra thiệt hại cho người khác. Khi hành vi đó gây ra thiệt hại cho người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đó còn gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bài viết dưới đây Luật Nhân Hòa sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về chế định này.

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

+ Là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc hợp đồng mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

+ Thiệt hại không chỉ là nền tảng cơ bản mà còn là điều kiện bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

 2.  Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 584 Bộ luật dân sự 2015)

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cở sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm bối thường thiệt hại có phát sinh trên thực tế hay không. Vấn đề xác định chính xác căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Về nội dung này, Bộ luật dân sự 2015 đã được điều chỉnh 3 căn cứ cụ thể như sau:

Một là, có thiệt hại xảy ra.

Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định. Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật.

Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm: làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.

 3.   Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm các nguyên tắc sau đây:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 4.  Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Người gây ra thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào: cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước,.. Nhưng việc bồi thường thiệt hại phải do người có” khả năng” bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không do chính họ thực hiện.

Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân tại Điều 586 mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Do đó, các chủ thể khác được coi là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân, cụ thể là:

 -Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

-Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

-Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

-Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

 5.      Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Theo quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2005, “thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”

Bộ luật dân sự 2015 đã quy định về vấn đề này khác hẳn. Theo quy định của Điều 588 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ở Bộ luật dân sự 2015 được kéo dài hơn 01 năm so với Bộ luật dân sự 2005 và thời điểm được dùng để tính thời hiệu này sẽ được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Có thể thấy, mốc thời gian để tính thời hiệu khởi kiện được xác định “biết hoặc phải biết” hợp lý hơn cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho bên bị thiệt hại so với quy định của Bộ luật dân sự 2005. Quy định này cũng phù hợp với Bộ luật dân sự các nước khi họ cũng thường quy định thời điểm này tính từ ngày bên có quyền biết hoặc phải biết có sự vi phạm nghĩa vụ.

Trên đây là bài viết với nội dung bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp Quý bạn đọc có câu hỏi về bài viết hoặc đang cần tư vấn về những vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ tổng đài 0915.27.05.27 để được Luật sư Luật Nhân Hòa giải đáp kịp thời.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trong!

 


Bài viết xem thêm