NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN CÓ ĐƯỢC LẬP DI CHÚC KHÔNG?

Trên thực tế, việc lập di chúc diễn ra đang ngày càng phổ biến đối với những chủ thể được pháp luật quy định có quyền được lập di chúc. Vậy người chưa thành niên có được lập di chúc không? đây là vấn đề cũng được khá nhiều người quan tâm, công ty Luật Nhân Hòa xin chia sẻ vấn đề này qua bài viết sau.

  1. 1.    Quyền được lập di chúc của người chưa thành niên

Theo quy định pháp luật hiện hành thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Trong đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015 thì những người sau đây được lập di chúc:

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép tức là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và hoàn toàn tự nguyện khi thành lập di chúc của mình.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Như vậy, cá nhân chưa đủ 18 tuổi (chưa thành niên) có quyền được lập di chúc và được hưởng những quyền luật định của người lập di chúc là người thành niên khác nhưng phải đáp ứng điều kiện là phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc. Khi đó, những chủ thể này sẽ xem xét hành vi lập di chúc của trẻ là có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như có bị ép buộc hay không. Có thể hiểu rằng trách nhiệm của người làm cha, mẹ hoặc giám hộ là đánh giá khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hoàn cảnh của người lập di chúc.

Lưu ý:

Cha, mẹ hoặc người giám hộ có quyền cho phép trẻ được lập di chúc hay không. Nhưng không được can thiệp vào nội dung di chúc. Quy định này thể hiện được sự phù hợp khi xét về bản chất của di chúc. Vì nội dung của di chúc phải là sự thể hiện ý chí của người thiết lập ra nó.

Tuy nhiên, khi xét thấy nội dung di chúc có sự ép buộc, không tự nguyện thì cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ nội dung di chúc của trẻ.

  1. 2.    Điều kiện để có một bản hợp pháp của di chúc do người chưa thành niên lập

Để di chúc được coi là hợp pháp, di chúc đó phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì di chúc của người chưa thành niên được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

- Di chúc phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Sở dĩ di chúc của người chưa thành niên phải được lập thành văn bản là vì lúc này họ chưa có đầy đủ khả năng nhận thức, do đó, suy nghĩ của trẻ chưa thành niên có thể thay đổi theo từng thời kì nhất định. Việc lập di chúc bằng văn bản nhằm đảm bảo tính chính xác, tự nguyện, phù hợp với ý chí của người lập di chúc.

 Trên đây là bài viết về “Người chưa thanh niên có được lập di chúc không?”. Chúng tôi hy vọng Quý khách hàng có thể vận dụng các thông tin trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn, Quý khách hàng vui lòng gọi điện tới tổng đài 0915.27.05.27 của Công ty Luật Nhân Hòa để được tư vấn. Xin cảm ơn.

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trong!

 

 


Bài viết xem thêm