NGƯỜI ĐANG BỊ TẠM GIAM CÓ THỂ LẬP DI CHÚC ĐƯỢC KHÔNG?

1.    Quy định chung về di chúc

Theo quy định tại Điều 646 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

-Chủ thể có quyền lập di chúc

Người thuộc các trường hợp sau có quyền lập di chúc:

  • Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
  • Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

 Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết. Nếu đủ điều kiện để lập di chúc như trên thì người lập di chúc có thể chỉ định người thừa kế và phân định tài sản của mình mà không cần sự đồng ý của bất kỳ ai.

-Điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
  • Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
  • Về hình thức của di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 649 BLDS 2005)

-Hình thức của di chúc

Di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng.

*Di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

+Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết tay và ký vào bản di chúc. (Điều 655 Bộ luật dân sự 2005)

+Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Điều 656 Bộ luật dân sự 2005)

+Di chúc bằng văn bản có công chứng;

+Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

 2.    Quyền lập di chúc của người đang bị tạm giam

Trong nhiều trường hợp cá nhân có nhu cầu lập di chúc nhưng đang trong những hoàn cảnh đặc biệt nên không thể lập di chúc có chứng nhận hoặc chứng thực được. Do đó, Bộ luật dân sự 2015 có quy định một số trường hợp di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực và người đang bị tạm giam rơi vào trường hợp này. Cụ thể được quy định tại khoản 6 Điều 638 Bộ luật dân sự 2015:

"Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở giam giữ đó" sẽ có hiệu lực như di chúc được công chứng, chứng thực.

Vì lý do tố tụng, người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù bị hạn chế quyền tự do đi lại nên họ không thể yêu cầu cơ quan công chứng nhà nước hoặc ủy ban nhân dân chứng nhận hoặc chứng nhận cho bản di chúc của mình được. Tuy vậy họ vẫn có quyền tự do lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tôn trọng quyền này của cá nhân, pháp luật vẫn thừa nhận di chúc của họ lập ra khi đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù có giá trị pháp lý như di chúc có chứng nhận, chứng thực nếu di chúc đó đã có xác nhận của người phu trách cơ sở giam giữ.

Ví dụ: A bị đang chấp hành án phạt tù 20 năm. Hiện tại A đã 60 tuổi và không biết liệu có thể đợi đến lúc chấp hành xong án phạt tù không. Do đó, A muốn để lại di chúc định đoạt ngôi nhà là tài sản riêng của mình cho đứa con gái. Trong trường hợp này, A không thể xin ra ngoài để lập di chúc sau đó công chứng được nhưng A có thể lập di chúc là xin xác nhận của người phụ trách cơ sở giam giữ nơi A đang chấp hành án.

Như vậy, cá nhân chỉ lập di chúc trong trường hợp nói trên khi họ cho rằng tình trạng sức khỏe, tính mạng của họ không đủ thời gian để lập một di chúc theo thể thức khác. Chẳng hạn, một người đang đi trên tàu biển bị một căn bệnh đột ngột làm cho họ cảm thấy nếu chờ cho tàu cập bến mới lập di chúc thì sẽ không kịp nên đã lập ngay di chúc trên tàu và xin xác nhận của thuyền trưởng. Vì vậy, sẽ có một câu hỏi đặt ra là: Sau khi di chúc được lập trong những hoàn cảnh nói trên nhưng người lập di chúc đã qua khỏi hoàn cảnh đó và trở lại với điều kiện bình thường (chẳng hạn người đã lập di chúc trên tàu biển nhưng sau khi tàu cập bến bệnh của họ được cứu chữa và họ sống khỏe mạnh bình thường) thì những di chúc ấy có bị hủy bỏ hay vẫn được công nhận là có giá trị pháp lý như di chúc có chứng nhận, chứng thực hay không?

Pháp luật quy định di chúc ra lập trong những trường hợp trên có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực nhằm đảm bảo cho cá nhân quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình ngay cả khi họ rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên chỉ trong những hoàn cảnh đó thì di chúc của họ mới được coi là có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực. Vì vậy, khi người lập di chúc đã trở lại điều kiện bình thường, có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, chứng thực di chúc được nhưng họ vẫn không yêu cầu chứng nhận, chứng thực thì di chúc mà họ đã lập trong những hoàn cảnh trên sẽ không được thừa nhận là có giá trị như di chúc được chứng nhận chứng thực, đồng thời, cũng không được coi di chúc đó là đã bị hủy bỏ. Trong những trường hợp này cần xác định giá trị của di chúc theo hai trường hợp sau:

Một là, nếu di chúc đó do người để lại tự sản tự nguyện lập ra trong khi minh mẫn sáng suốt và sự định đoạt nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì được coi là hợp pháp (đã được Bộ luật dân sự 2015 quy định tại khoản 5 Điều 630).

Hai là, nếu có sự tranh chấp về hiệu lực của những di chúc nói trên mà việc xác nhận không đủ cơ sở để khẳng định là người đó minh mẫn sáng suốt, tự nguyện trong khi lập di chúc thì coi như không có di chúc đó vì sai khi lập di chúc trong những hoàn cảnh đặc biệt người lập di chúc đã trở lại điều kiện bình thường thì cần phải lập di chúc có tính xác thực cao hơn.

 Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27                                            

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm