Đặt cọc là một giao dịch dân sự diễn ra khá nhiều và phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng đặt cọc không phải ai cũng có thể nắm được. Một vấn đề tuy đơn giản nhưng cũng ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng đặt cọc đó là hình thức và phương thức giao kết của hợp đồng đặt cọc, liệu có sự khác nhau về các quy định của hợp đồng đặt cọc qua các lần sửa đổi, bổ sung của các văn bản pháp luật liên quan không? Luật sư công ty Luật Nhân Hoà sẽ chia sẻ với quý vị và các bạn về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây:
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, theo quy định trên thì Bộ luật dân sụ 2015 không có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng đặt cọc, vì vậy, cũng có thể hiểu rằng, hợp đồng đặt cọc có thể giao kết theo bất kỳ hình thức nào như hợp đồng miệng, hợp đồng văn bản, hợp đồng có công chứng, chứng thực,...miễn là đảm bảo được nội dung của giao dịch, giao dịch không trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm pháp luật, các bên giao kết hợp đồng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép,...
Việc quy định về hình thức của hợp đồng đặt cọc theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 là một tiến bộ lớn và cũng hoàn toàn khác biệt so với quy định về hình thức của hợp đồng đặt cọc tại Bộ luật dân sự 2005.
Cụ thể tại Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 358. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Như vậy, quy định trên đã nêu rõ là hình thức của hợp đồng đặt cọc phải được lập thành bằng văn bản, việc giao kết hợp đồng đặt cọc bằng miệng sẽ không được công nhận.
Những sửa đổi, bổ sung về vấn đề quy định về hình thức của hợp đồng đặt cọc của Bộ luật dân sự 2015 như vậy sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên vì trong một số trường hợp vì lý do như quen biết, tin tưởng lẫn nhau, thường xuyên giao dịch qua lại bằng miệng theo thói quen,...nên các bên không tiến hành giao kết hợp đồng đặt cọc bằng văn bản và nếu như theo quy định cũ, giao dịch này không được công nhận thì sẽ rất khó giải quyết các hậu quả pháp lý liên quan và cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của các bên khi tranh chấp xảy ra.
Cũng cần phải bàn thêm là theo quy định pháp luật, hợp đồng đặt cọc (ngay cả hợp đồng đặt cọc về bất động sản) pháp luật cũng không quy định là phải công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như những ràng buộc sau khi giao dịch mua bán của các bên không được tiến hành theo thời gian đã thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc.
Trên đây là chia sẻ của luật sư về các quy định pháp luật liên quan đến hình thức của hợp đồng đặt cọc, trên cơ sở phân tích, so sánh quy định pháp luật của Bộ luật dân sự 2005 và bộ luật dân sự 2015. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn tránh được lúng túng trong quá trình giao kết hợp đồng đặt cọc.
Quý vị và các bạn cần tư vấn, soạn thảo hợp đồng đặt cọc và các vấn đề về pháp luật dân sự nói chung, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!