Trong một số trường hợp, khi một người chết để lại tài sản thừa kế nhưng một trong số những người thừa kế mất tích, không thể nào tìm được người đó để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Vậy trong những trường hợp này thì phải giải quyết như thế nào? Quy định pháp luật cụ thể ra sao? Trình tự, thủ tục giải quyết cụ thể như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu qua sự tư vấn của luật sư dưới đây.
1. Quy định về người thừa kế
Căn cứ theo Điều 613 BLDS 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản mất.
Như vậy, người thừa kế mất tích được hiểu là một người được hưởng di sản từ người thân của họ như cha, mẹ, ông bà, cô chú,.. theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nhưng tại thời điểm chia thừa kế thì đã không liên lạc được với họ, đi khỏi nơi cư trú trong một khoảng thời gian dài mà người thân không rõ tung tích được gọi là người mất tích.
Suy ra, người thừa kế mất tích được hưởng tài sản một cách hợp pháp nhưng không có thông tin và không thể liên lạc được với họ bằng bất kì cách nào.
Như vậy, để có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế khi có người mất tích thì một thủ tục bắt buộc phải thự hiện đó là thủ tục tuyên bố một người mất tích.
2. Điều kiện để tuyên bố một người mất tích
Theo quy định pháp luật thì khi cá nhân đã biệt tích hai năm liền trở lên và không có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Thời hạn 02 năm này phải có tính liên tục, không bị ngắt quãng, gián đoạn. Có nghĩa là nếu một người vắng mặt tại nơi cư trú khoảng 1 năm sau đó có một tin tức rằng người đó vẫn sống tại một nơi khác rồi sau đó lại biệt tích 1 năm nữa thì không thể tính cộng hai khoảng thời gian đó lại thành 2 năm được.
Về cách tính thời hạn như sau: Trước tiên thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Việc xác định thời hạn này được tính trên cơ sở người có quyền, lợi ích liên quan hoặc những người thân thích của người biệt tích nhớ rõ và có bằng chứng chứng minh đúng ngày tháng năm có tin tức của người biệt tích. Khi không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức. Nếu không xác định được tháng thì sẽ tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Những người có quyền và lợi ích liên quan có phải đưa ra các bằng chứng tùy theo từng trường hợp cụ thể để chứng minh rằng vào những thời điểm nói trên (ngày có tin tức cuối cùng, tháng, năm...) có chứng cớ xác định rằng có tin tức của người biệt tích vào thời điểm đó, và đó là thời điểm để xác định thời hạn của người biệt tích. Các bằng chứng có thể là các loại giấy tờ, văn bản, thư từ hoặc người làm chứng. Trên cơ sở đó, Tòa án mới xem xét và xác định tính xác thực của các bằng chứng để xác định thời hạn cho từng trường hợp cụ thể và thực hiện các thủ tục cần thiết để tuyên bố một người bị mất tích.
3. Trình tự thủ tục tuyên bố mất tích
Bước 1: Người có quyền và lợi ích liên quan nộp đơn yêu cầu cho Tòa án nhân dân.
Theo quy định tại Điều 387 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết
Chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
Bước 2: Thông báo tìm kiếm người mất tích
• Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo tìm kiếm lần đầu tiên.
Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn 4 tháng thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước 3: Ra quyết định tuyên bố người mất tích
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích;
Trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
4. Tài sản của người mất tích được giải quyết ra sao?
Căn cứ Điều 69 Bộ Luật dân sự 2015 người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Như vậy, sau khi tòa án tuyên bố mất tích thì sẽ chỉ định một người quản lý tài sản của người mất tích.
Người quản lý sẽ có nghĩa vụ trả lại tài sản sau khi người mất tích trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Khi nào được phân chia tài sản thừa kế của người mất tích?
Trong trường hợp sau 3 năm kể từ ngày tuyên bố mất tích mà người mất tích vẫn biệt tích thì người có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu tòa án tuyên bố chết với người mất tích.
Về giải quyết tài sản của người tuyên bố là đã chết thì căn cứ tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Như vậy, nếu tòa án tuyên bố là người mất tích đã chết thì tài sản của người mất tích sẽ được phân chia cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật dân sự.
Trên đây là chia sẻ của luật sư về các quy định pháp luật liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế khi có người thừa kế mất tích. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.
Quý vị và các bạn cần tư vấn, soạn thảo di chúc, khai nhận di sản thừa kế, phân chia di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com