CHA MẸ LẬP DI CHÚC CÓ CẦN CHỮ KÝ CỦA TẤT CẢ CÁC CON KHÔNG?

1.  Di chúc là gì?

Tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm  2015, di chúc được định nghĩa như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Từ quy định này có thể thấy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Đồng thời, có thể khẳng định, di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác.

2. Cha mẹ lập di chúc có cần sự đồng ý của các con không?

Ngoài ra, về người lập di chúc, Điều 625 BLDS nêu rõ:

1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Theo đó, Bộ luật Dân sự đã khẳng định, người thành niên có toàn quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Đồng thời, trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS).

Như vậy, từ các căn cứ trên, có thể thấy cha, mẹ khi lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả con cái của người đó.

Hay nói cách khác, cha, mẹ khi lập di chúc thì không cần phải có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dự vào ý chí của chính người lập di chúc là cha hoặc mẹ.

3.    Các con có phải ký tên vào di chúc của cha, mẹ không?

Bộ luật Dân sự 2015 quy định để một di chúc có hiệu lực thì di chúc đó phải thỏa mãn đầy đủ yếu tố: Chủ thể, nội dung, hình thức.

  • Điều kiện về chủ thể:

Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Đối với người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Sự đồng ý ở đây là sự đồng ý cho họ lập di chúc, còn về nội dung di chúc do chính người chưa thành niên đó quyết định.

Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

Đây là điều kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá di chúc có giá trị pháp lý hay không.

  • Điều kiện về nội dung của di chúc:

Nội dung của di chúc chứa đựng toàn bộ những quyết định của người để lại di sản trong việc định đoạt sản của người lập di chúc sau khi chết.

Di chúc là một giao dịch dân sự, do vậy, di chúc cũng cần tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong đó có điều kiện về nội dung của di chúc.

Cụ thể, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

  • Điều kiện về mặt hình thức:

Về mặt hình thức, di chúc được thể hiện dưới một trong hai hình thức bao gồm: di chúc bằng văn bản và di chúc miệng.

Bộ luật dân sự 2015 có quy định riêng về hình thức với di chúc của từng đối tượng lập di chúc đặc thù như sau:

Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực

Từ những quy định của pháp luật có thể thấy, một di chúc khi đã thỏa mãn được ba điều kiện kể trên thì nó sẽ phát sinh hiệu lực từ thời điểm mở di sản thừa kế mà không cần có chữ ký của các con.

Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 hoàn toàn không đề cập đến việc di chúc phải có chữ ký của con thì mới phát sinh hiệu lực, ngay cả người con được cha mẹ chỉ định được hưởng tài sản thừa kế theo di chúc đó cũng không cần phải ký tên trong di chúc đó.

Trên đây là chia sẻ của luật sư về vấn đề “ Lập di chúc có cần chữ ký của tất cả các con không”. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn, soạn thảo di chúc, phân chia di sản thừa kế, khai nhận di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm