LÀM GIẢ DI CHÚC CÓ BỊ ĐI TÙ KHÔNG?

Di chúc là ý chí của người để lại di sản thừa kế nhằm để tài sản của mình cho người khác sau khi người này chết. Do đó, có thể hiểu, di chúc là ý chí và nguyện vọng của người để lại di chúc.  Hành vi làm giả di chúc tuỳ vào trường hợp mà có thể không được hưởng di sản, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Đồng thời, theo Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định cũng như truất quyền hưởng di sản của người thừa kế và phân phần di sản thừa kế cho từng người thừa kế...

Do đó, ngoài các trường hợp được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc thì tất cả các trường hợp khác đều hưởng di sản theo ý chí và nguyện vọng của người lập di chúc.

Khi lập di chúc, người để lại di sản cũng phải sáng suốt, minh mẫn, không bị lừa dối, đe doạ hay cưỡng ép khi đưa ra ý định lập di chúc. Bởi vậy, việc làm giả di chúc hay giả mạo chữ ký của người lập di chúc là hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, nếu một người làm giả di chúc thì sẽ bị xử lý như sau:

1. Không được quyền hưởng di sản

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu giả mạo di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ không được quyền hưởng di sản.

Tuy nhiên, nếu người để lại di chúc biết về hành vi của người làm giả di chúc những trong di chúc hợp pháp của mình vẫn cho họ hưởng di sản thì người làm giả di chúc vẫn được hưởng di sản thừa kế.

2. Bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu một người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng. Do đó, có thể coi việc giả mạo di chúc của người khác là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Do đó, nếu giả mạo di chúc của người khác để chiếm đoạt tài sản của người để lại di chúc thì người này có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng.

3. Phải chịu trách nhiệm hình sự

Nếu làm giả di chúc đồng nghĩa người này làm giả chữ ký của người lập di chúc và làm giả cả dấu của tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã (nếu di chúc có công chứng hoặc chứng thực).

Do đó, nếu làm giả di chúc trong trường hợp này, người làm giả có thể bị xử lý Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo đó, khung hình phạt cho tội này được quy định cụ thể tại khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự như sau:

- Phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 02 năm: Làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Phạt tù từ 02 - 05 năm: Có tổ chức; phạm tội từ 02 lần trở lên; sử dụng để phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 - dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 03 - 07 năm: Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.

Trên đây là chia sẻ của luật sư về vấn đề “Làm giả di chúc có bị đi tù không?”. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn, soạn thảo di chúc, phân chia di sản thừa kế, khai nhận di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm