1. Nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm quy định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng hướng dẫn về vấn đề này như sau:
1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được xác định là trung tâm dịch vụ việc làm. Người lao động được nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại bất kì trung tâm dịch vụ việc làm nào mà mình muốn nhận.
Vì vậy, để thuận tiện cho quá trình nhận tiền trợ cấp và làm thủ tục thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng, người lao động có thể tùy chọn trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi mình sinh sống hoặc nơi trước đây mình làm việc.
2. Hồ sơ:
Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, khi đi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động cần mang theo những giấy tờ sau:
1 - Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2 - Giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động đã hết hạn; quyết định thôi việc, sa thải, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động,…
Các giấy tờ này có thể là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao nhưng phải mang theo cả bản chính để đối chiếu.
3 - Bản chính sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, người lao động còn phải mang theo giấy tờ tùy thân là Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu để nhân viên của trung tâm việc làm xác thực.
Trường hợp không tự đi nộp hồ sơ mà nhờ người khác nộp hộ thì phải có thêm giấy ủy quyền hợp pháp.
3. Thời hạn nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp:
Cũng theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013 đã dẫn chiếu ở trên, thời hạn nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được giới hạn trong vòng 03 tháng kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Nếu để quá thời hạn 03 tháng mới đi nộp hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ từ chối giải quyết và trả lại hồ sơ cho người lao động.
Tuy nhiên việc trả lại hồ sơ không đồng nghĩa với việc người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp với quãng thời gian đã đóng bảo hiểm trước đó. Lúc này, thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được bảo lưu để tính cộng dồn cho lần hưởng sau khi đáp ứng đủ điều kiện quy định.
Do vậy, nếu muốn nhanh chóng nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần thu xếp công việc để nộp hồ sơ sớm cho trung tâm dịch vụ việc làm để không bỏ lỡ mốc thời gian 03 tháng nêu trên.
Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.
Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật lao động, dân sự, hình sự có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!