BÊN CHO THUÊ NHÀ CHẾT THÌ HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ CÓ CÒN HIỆU LỰC HAY KHÔNG?

 1. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà:

Theo quy định tại Điều 131 Luật Nhà ở 2014 thì các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở đó là:

1. Trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật này.

2. Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;

b) Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

c) Nhà ở cho thuê không còn;

d) Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;

đ) Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.

Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

e) Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 của Luật này.

Theo quy định trên, không có quy định về việc người cho thuê nhà chết thì hợp đồng thuê nhà sẽ chấm dứt. Do đó, nếu trong quá trình thuê, người cho thuê chết thì người thuê nhà vẫn được tiếp tục sử dụng nhà thuê theo thời gian ghi trong hợp đồng thuê nhà.

2. Quy định về quyền tiếp tục thuê nhà:

Do việc chủ nhà trọ chết không thuộc trường hợp bị chấm dứt hợp đồng thuê nhà nên người thuê vẫn sẽ được tiếp tục sử dụng nhà thuê theo thời hạn đã thoả thuận trước đó.

Đây cũng là quy định cụ thể được nêu tại Điều 133 Luật Nhà ở năm 2014. Theo đó, sẽ có hai trường hợp sau đây:

- Trường hợp 1: Chủ nhà trọ có người thừa kế. Trường hợp này, người thừa kế sẽ có trách nhiệm thực hiện tiếp học đồng thuê nhà đã được ký với bên thuê trước đó (ngoại trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác như chấm dứt hợp đồng thuê nhà ngay...).

- Trường hợp 2: Chủ nhà trọ không có người thừa kế hợp pháp thì nhà thuê này sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định tại Đièu 622 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Trong trường hợp này, người đang thuê nhà sẽ được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Cụ thể, đối tượng, điều kiện thuê: Cán bộ, công chức được thuê nhà ở công vụ; người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội...chỉ được thuê nhà ở; Người đang thực tế sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước được giải quyết cho thuê nhà ở đó...

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Bên cho thuê nhà chết thì hợp đồng thuê nhà có chấm dứt không”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật về đất đai, thực hiện các thủ tục pháp lý nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm