DI CHÚC CÓ HIỆU LỰC TRONG THỜI GIAN BAO LÂU?

1. Di chúc là gì?

Di chúc, căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, được hiểu là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết.

Trong đó, người có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản mình, theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định là người đã thành niên, có tài sản để lại, minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện khi lập di chúc. Còn người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì vẫn được quyền lập di chúc như người đã thành niên nhưng phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Quy định về độ tuổi lập di chúc (từ đủ 15 tuổi trở lên) nhằm mục đích đảm bảo việc thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản – khi họ có đủ khả năng và điều kiện để tạo lập nên tài sản của chính mình.

Khi một người lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người có tài sản chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo quy định. Đồng thời, theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc được được đưa ra làm căn cứ phân chia tài sản sau khi một người chết đi được xác định là di chúc hợp pháp và là di chúc cuối cùng mà họ lập ra trước khi chết.

2. Di chúc có hiệu lực trong bao lâu?

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Theo quy định này, người thừa kế có quyền yêu cầu chia thừa kế với tài sản là bất động sản trong thời hạn 30 năm; với tài sản là động sản trong thời gian 10 năm kể từ khi người để lại di chúc chết. Hết thời hạn này thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Có thể thấy, nếu di chúc để lại bất động sản (nhà, đất, tài sản gắn liền với đất…) cho người khác thì sẽ có thời hạn 30 năm để chia thừa kế và nếu di chúc để lại động sản (xe ô tô, tàu, thuyền…) thì người thừa kế sẽ có thời hạn 10 năm để yêu cầu chia thừa kế.

Nếu hết thời hạn này mà có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản sẽ thuộc về người quản lý. Nếu không còn người thừa kế thì di sản sẽ thuộc về người đang chiếm hữu; nếu không có người chiếm hữu thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.

3. Di chúc có hiệu lực khi nào?

Cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết và cũng có quyền được hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người khác một cách bình đẳng. Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự quy định như sau:

1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

Trong đó, theo khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Đồng nghĩa, di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm người để lại di chúc chết.

Kể từ thời điểm này, người thừa kế theo di chúc sẽ có quyền cũng như kế thừa các nghĩa vụ của người chết để lại.

Đặc biệt, kể từ thời điểm người để lại di chúc chết, nếu di chúc đó bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ, toàn bộ mong muốn của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì sẽ coi như không có di chúc.

Như vậy, di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế - thời điểm người để lại di chúc chết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi xác định di chúc có hiệu lực khi nào, người thừa kế và các người có quyền, nghĩa vụ liên quan cần xác định di chúc đó có hợp pháp không.

Theo đó, cần căn cứ vào các đặc điểm:

- Tinh thần của người lập di chúc: Có minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, không bị đe doạ, không bị cưỡng ép trong khi lập di chúc không.

- Nội dung, hình thức của di chúc: Không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức; không viết tắt, không viết bằng ký hiệu, không tẩy xoá, sửa chữa. Nếu có tẩy xoá, sửa chữa thì phải có chữ ký của người lập di chúc hoặc người làm chứng ký tên ở bên cạnh những chỗ đó…

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Di chúc có hiệu lực trong thời gian bao lâu”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật thừa kế, khai nhận di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm