1. Anh em cùng cha khác mẹ là thế nào?
- Con cùng cha khác mẹ là những người được sinh ra bởi cùng một người cha, nhưng khác mẹ.
- Căn cứ đầu tiên để xác định những người cùng cha khác mẹ là quan hệ cha mẹ con của mỗi người. Việc xác định quan hệ cha mẹ con dựa trên sự kiện sinh đẻ, quan hệ hôn nhân và huyết thống.
- Sau đó mới xác định được quan hệ con cùng cha khác mẹ. Con cùng cha khác mẹ có vị trí như anh em ruột được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật.
2. Quy định của Pháp luật về thừa kế của anh em cùng cha khác mẹ:
Căn cứ vào Điểm e mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định:
“Anh ruột, chị ruột, em ruột là anh, chị, em cùng mẹ hoặc cùng cha, nghĩa là một người mẹ sinh ra bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau không phụ thuộc vào việc các người con đó cùng cha hay khác cha.
Cũng tương tự như vậy, một người cha sinh ra bao nhiêu con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào vào việc các người con đó cùng mẹ hay khác mẹ. Con riêng của vợ và con riêng của chồng thì không phải là anh, chị, em ruột của nhau”
3. Hưởng di sản của nhau trong trường hợp có di chúc
Pháp luật về thừa kế hiện hành dựa trên cơ sở pháp luật luôn tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản nên trường hợp nếu người để lại di sản mong muốn cho ai thừa kế di sản của mình thì pháp luật hoàn toàn không giới hạn. Theo khoản 2 Điều 621 Bộ luật dân sự quy định về người không được quyền hưởng di sản thì những người theo quy định không được hưởng di sản theo pháp luật sẽ vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó. Theo đó, trường hợp anh em cùng cha khác mẹ mặc dù thuộc các trường hợp không được hưởng di sản theo pháp luật của anh em mình nhưng anh em của họ vẫn đồng ý cho hưởng di sản theo di chúc thì vẫn được hưởng di sản của nhau. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 626 Bộ luật dân sự thì người lập di chúc hoàn toàn có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Theo đó, nếu anh em cùng cha khác mẹ truất quyền hưởng di sản của người anh em cùng cha khác mẹ của mình thì người này chắc chắn sẽ không có quyền hưởng. Ngoài ra, trường hợp anh em cùng cha khác mẹ từ chối hưởng di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự cũng sẽ không hưởng di sản của anh em mình.
4. Hưởng di sản của nhau theo pháp luật
Theo Điều 613 Bộ luật dân sự về người thừa kế thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự về người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự thì hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Và khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự thì những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự thì người không được quyền hưởng di sản gồm: người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Người từ chối hưởng di sản được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự. Theo đó, trong trường hợp không có di chúc, vấn đề thừa kế được giải quyết theo pháp luật thì anh em cùng cha khác mẹ sẽ vẫn được hưởng di sản của nhau với tư cách là anh em ruột. Do đó, nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất của anh (em) cùng cha khác mẹ và đồng thời người anh (em) này không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hay từ chối nhận di sản thì hoàn toàn được quyền hưởng di sản của anh (em) cùng cha khác mẹ của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Có được hưởng thừa kế của anh em cùng cha khác mẹ không”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.
Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật thừa kế, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!