TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI NHƯNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KÊT HÔN THÌ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

1. Không đăng ký kết hôn sau khi tổ chức đám cưới có được không?

Đám cưới là một phong tục văn hóa trong hôn nhân nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận và chứng kiến của gia đình, xã hội hay tôn giáo về cuộc hôn nhân của một cặp đôi. Đám cưới được hiểu là một nghi lễ. Thế nhưng, để xác lập quan hệ hôn nhân, hai người còn phải đăng ký kết hôn. Vậy, pháp luật quy định thế nào về việc đăng ký kết hôn khi làm cưới?

Điều 8, Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia định 2014 quy định: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện như: Nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định…

Từ quy định trên có thể thấy, pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới, cũng như không quy định sau cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do đó, nếu sau khi cưới, vợ chồng chậm làm thủ tục hoặc không làm thủ tục đăng ký kết hôn cũng không bị phạt.

Tuy nhiên, thực tế, vợ chồng nên đăng ký kết hôn sớm trước khi sinh con. Bởi theo yêu cầu của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi làm giấy khai sinh cho con, cha mẹ phải xuất trình Giấy đăng ký kết hôn.

Khoản 1 Đều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Việc kết hôn không đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Điều này có nghĩa là, nếu nam nữ chỉ làm đám cưới và chung sống với nhau thì không hôn nhân không được pháp luật công nhận, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng.

Quan hệ tài sản trong trường hợp không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận, thì giải quyết theo Bộ luật Dân sự, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người phụ nữ và cửa con.

Trong trường hợp không đăng ký kết hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái theo quy định của chương V Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Thủ tục đăng ký kết hôn

2.1 Hồ sơ cần chuẩn bị gồm những gì?

- Kết hôn trong nước

Theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

+ Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

+ Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh. Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng;

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp.

+ Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.

- Kết hôn có yếu tố nước ngoài

Nếu việc kết hôn có yếu tố nước ngoài thì căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2015, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

+ Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn giá trị sử dụng, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thể hiện nội dung: Hiện tại người nước ngoài này không có vợ/có chồng. Nếu nước đó không cấp thì thay bằng giấy tờ khác xác định người này đủ điều kiện đăng ký kết hôn.

+ Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (do cơ quan y tế của thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận).

+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (bản sao).

2.2 Nộp hồ sơ đến đâu?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, các cặp đôi là công dân Việt Nam, đăng ký kết hôn tại Việt Nam cần đến UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên để đăng ký kết hôn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014, trong những trường hợp sau đây, nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các cặp nam, nữ là UBND cấp huyện:

- Công dân Việt Nam với người nước ngoài;

- Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;

- Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Riêng hai người nước ngoài khi có nhu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì đến UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên để thực hiện việc đăng ký kết hôn (Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch).

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn có được không”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, đăng ký kết hôn, ly hôn, giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm