THÔI QUỐC TỊCH VIỆT NAM LÀ GÌ? NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC THÔI QUỐC TỊCH VIỆT NAM

1. Thôi quốc tịch Việt Nam là gì?

Thôi quốc tịch Việt Nam là việc công dân hiện đang có quốc tịch Việt Nam, tự nguyện xin thôi quốc tịch và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trường hợp đang có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nay tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Những trường hợp không được thôi quốc tịch Việt Nam

Căn cứ để xác định việc thôi quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Quốc tịch, cụ thể: Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định nêu trên thì việc thôi quốc tịch Việt Nam là hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của công dân Việt Nam và được thể hiện bằng đơn với mục đích để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc đã có quốc tịch nước ngoài hoặc đang có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nay tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam để được hưởng quyền lợi của nước mà họ đang là công dân.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam thì đều được Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam.
- Những người xin thôi quốc tịch Việt Nam thuộc các trường hợp sau đây sẽ chưa được thôi quốc tịch (khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam):
+ Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;
+ Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
+ Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
- Những trường hợp sau đây không được thôi quốc tịch Việt Nam:
+ Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
+ Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

3. Trình tự thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam

Trình tự, thủ tục và thời gian thôi quốc tịch Việt Nam mất bao lâu được quy định tại Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 20 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, thôi quốc tịch Việt Nam sẽ trải qua các bước với thời gian 75 ngày tương ứng với các bước sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người xin thôi quốc tịch Việt Nam nộp đầy đủ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi cư trú (nếu hiện tại đang cư trú ở trong nước) hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu hiện tại đang cư trú ở nước ngoài).

Bước 2: Đăng thông báo

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ:

- Nếu người yêu cầu cư trú trong nước: Sở Tư pháp đăng thông báo 03 số liên tiếp về việc xin thôi quốc tịch trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử của địa phương và gửi đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

- Nếu người yêu cầu cư trú ở nước ngoài: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đăng thông báo trên trang thông tin điện tử của mình về việc thôi quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu.

Lưu ý: Thời gian lưu giữ thông báo trên trang thông tin điện tử phải kéo dài ít nhất 30 ngày kể từ ngày đăng báo.

Bước 3: Xác minh

- Với công dân cư trú trong nước

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, bên cạnh việc đăng công báo, Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc xác minh thông tin thông qua gửi văn bản đề nghị cơ quan công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Việc xác minh này sẽ có kết quả trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công an cấp tỉnh nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.

Đồng thời, trong thời gian chờ xác minh, Sở Tư pháp cũng sẽ tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ để trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

Như vậy, thời gian xác minh và đề xuất ý kiến cho Bộ Tư pháp kéo dài khoảng 15 ngày làm việc.

- Với công dân cư trú ở nước ngoài

Việc xác minh, thẩm tra hồ sơ sẽ thực hiện trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhận được đủ hồ sơ hợp lệ. Sau đó, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin thôi quốc tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.

Lưu ý: Nếu cần thiết, Bộ Tư pháp có thể đề nghị Bộ Công an xác minh nhân thân người đề nghị xin thôi quốc tịch.

Bước 4: Trình Chủ tịch nước

Công việc này sẽ do Bộ Tư pháp thực hiện trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc từ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy đủ điều kiện thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Bước 5: Ra quyết định

Chủ tịch nước xem xét quyết định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, tổng cộng thời gian giải quyết thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam là khoảng 75 ngày làm việc.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Thôi quốc tịch Việt Nam là gì? Các trường hợp không được thôi quốc tịch Việt Nam”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp về dân sự, đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, ...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm