ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ MUỘN CÓ BỊ PHẠT KHÔNG?

1. Tạm trú là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định về giải thích từ ngữ như sau:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

9. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.”

Theo đó, bạn có thể hiểu tạm trú là việc công dân sinh sống ở một nơi trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

2. Khi nào phải đăng ký tạm trú?

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

“Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.”

Theo đó, Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Đồng thời công dân phải lưu ý không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này bao gồm:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Đăng ký tạm trú muộn có bị phạt không?

Công dân không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú hay đăng ký tạm trú muộn bị phạt hành chính từ 500.000 - 01 triệu đồng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 144 năm 2021. Mức phạt trên cũng áp dụng đối với các hành vi:

- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

- Không xuất trình xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Điều 9 còn quy định một số vi phạm khác liên quan đến đăng ký tạm trú như:

- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật;

+ Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 01 - 03 người lưu trú;

+ Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

- Phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi;

+ Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 04 - 08 người lưu trú;

+ Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú;

+ Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

- Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;

+ Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;

+ Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 09 người lưu trú trở lên;

+ Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật;

+ Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra thường trú, tạm trú, kiểm tra lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Đăng ký tạm trú muộn có bị phạt không?”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, thừa kế có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm