ĐẤT TRỒNG LÚA CÓ THẾ CHẤP ĐỂ VAY NGÂN HÀNG ĐƯỢC KHÔNG?

1. Đất trồng lúa được hiểu như thế nào?

Đất trồng lúa được hiểu là loại đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa. Tại Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, đất trồng lúa được chia thành những loại đất sau:

- Đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.

- Đất trồng lúa khác bao gồm: Đất trồng lúa nước còn lại là đất chỉ phù hợp trồng được một vụ lúa nước trong năm và Đất trồng lúa nương.

2. Đất trồng lúa có được thế chấp không?

Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp dùng để trồng lúa. Theo đó, tại điểm g khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất, trong đó có:

“g) Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;”

Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng được phép thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định.

Tuy nhiên, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013:

  • Đất dùng để thế chấp có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai;
  • Đất thế chấp không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Đất đang trong thời hạn sử dụng.

Đối với người có nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất cần phải đáp ứng các điều kiện dưới đây theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:

  • Người vay là cá nhân có độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc từ 15 - đủ 18 tuổi và không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; nếu là pháp nhân thì phải có năng lực pháp luật dân sự.
  • Vay vốn nhằm mục đích hợp pháp.
  • Phương án sử dụng vốn phải khả thi...

3. Hồ sơ, thủ tục thế chấp đất trồng lúa thế nào?

3.1 Hồ sơ đăng ký thế chấp đất trồng lúa

Theo Điều 9 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị vay thế chấp đất nông nghiệp gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị vay vốn theo mẫu.

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn; đăng ký kết hôn/xác nhận độc thân/quyết định hoặc bản án ly hôn...

- Giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng của người vay (Giấy xác nhận thu nhập có chữ ký của người sử dụng lao động, sổ tiết kiệm...)

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên bản bàn giao...

- Giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của người vay

- Các loại giấy tờ khác theo yêu cầu của từng ngân hàng.

3.2 Thủ tục đăng ký thế chấp đất trồng lúa

Việc đăng ký thế chấp đất trồng lúa được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

- Đối với người yêu cầu đăng ký là pháp nhân: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh;

- Đối với người yêu cầu đăng ký là Hộ gia đình, cá nhân: Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện;

- UBND cấp xã nơi có đất trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã;

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ đăng ký:

- Trường hợp hồ sơ không hợp: Người tiếp nhận từ chối đăng ký và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung đăng ký vào Sổ địa chính; Giấy chứng nhận; chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.

Bước 3: Trả kết quả

Kết quả đăng ký được trả tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Đất trồng lúa có thể thế chấp để vay ngân hàng được không?”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm