XÂY NHÀ TRÊN ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

1. Đất rừng phòng hộ là đất gì? Những loại đất rừng phòng hộ

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất rừng phòng hộ là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Cụ thể, theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT thì đất rừng phòng hộ là đất đang có rừng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng cho mục đích chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai…; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Đất rừng phòng hộ bao gồm: Đất có rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất có rừng phòng hộ là rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ. Trong đó:

- Đất có rừng phòng hộ là rừng tự nhiên: Là đất mà theo thống kê, kiểm kê diện tích đất có rừng phòng hộ đạt tiêu chuẩn rừng tự nhiên theo quy định, có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung;

- Đất có rừng phòng hộ là rừng trồng: Là đất mà theo thống kê, kiểm kê diện tích đất có rừng phòng hộ đạt tiêu chuẩn rừng trồng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng, cải tạo rừng tự nhiên, trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng;

- Đất đang được sử dụng để phát triển rừng phòng hộ: Là đất mà theo thống kê, kiểm kê diện tích đất đã được giao, cho thuê sử dụng vào mục đích rừng phòng hộ và đã, đang được trồng rừng (rừng mới trồng) hoặc đang trong giai đoạn khoanh nuôi tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi tái sinh có kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp nhưng chưa đạt tiêu chuẩn rừng.

2. Có được xây nhà trên đất rừng phòng hộ không?

Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhà ở được xây dựng trên đất ở (hay còn gọi là đất thổ cư) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, trong khi đó, đất rừng phòng hộ thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 có quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

“1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.”

Theo điểm c khoản 1 Điều 57 nêu trên, trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, pháp luật không quy định trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất ở (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp).

Do đó, có thể hiểu rằng người được giao quản lý đất rừng phòng hộ không được phép xây nhà trên đất này mà chỉ được chuyển đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp và được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Xây nhà trên đất rừng phòng hộ bị xử lý thế nào?

Trường hợp cố ý xây nhà trên đất rừng phòng hộ được xác định là hành vi sử dụng đất rừng phòng hộ sai mục đích. Theo Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp bị xử phạt như sau:

Diện tích đất chuyển mục đích trái phép

Mức phạt

(triệu đồng)

Dưới 0,02 héc ta

03 - 05

Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta

05 - 10

Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta

10 - 15

Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta

15 - 30

Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta

30 - 50

Từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta

50 - 100

Từ 05 héc ta trở lên

100 - 250

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Mức xử phạt khi xây nhà trên đất rừng phòng hộ”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật về đất đai, thực hiện các thủ tục pháp lý nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm