NGƯỜI CHẾT KHÔNG CÓ NGƯỜI THỪA KẾ THÌ NHÀ NƯỚC CÓ ĐƯỢC THU HỒI ĐẤT KHÔNG?

1. Nhà nước có được thu hồi đất của người chết khi không có người thừa kế không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013 quy định về thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người như sau:

“Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người

1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:

a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;

b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

c) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

d) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;

đ) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

e) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.

...”

Theo đó, trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thì Nhà nước sẽ thu hồi đất.

Đồng thời căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013 có quy định cá nhân sử dụng đất có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất của mình bằng cách lập di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, không phải mọi trường hợp người sử dụng đất chết thì Nhà nước đều tiến hành thu hồi đất, mà chỉ thu hồi đất trong trường hợp cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế.

Theo điểm b căn cứ khoản 2 Điều 65 Luật Đất đai 2013, việc thu hồi đất của người đã chết mà không có người thừa kế phải được thực hiện dựa trên căn cứ là:

Giấy chứng tử/quyết định tuyên bố một người đã chết theo quy định pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi thường trú của người để thừa kế đã chết.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi đất của người chết mà không có người thừa kế?

Căn cứ tại Điều 66 Luật Đất đai 2013 có quy định thẩm quyền thu hồi đất thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cụ thể thẩm quyền thu hồi đất do cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong trường người sử dụng đất chết là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam) hoặc người sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong trường người sử dụng đất chết là cá nhân trong nước hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bị thu hồi đất ở.

Lưu ý: 

Nếu trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

3. Trình tự, thủ tục thu hồi đất của người đã chết

Căn cứ quy định tại Điều 65 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thu hồi đất của người đã chết mà không có người thừa kế được thực hiện như sau:

Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi thường trú của người sử dụng đất chết không có người thừa kế gửi Giấy chứng tử/Quyết định tuyên bố một người là đã chết và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã đến Phòng Tài nguyên & Môi trường nơi có đất.

Bước 2: Cơ quan tài nguyên & môi trường có thực hiện thẩm tra, xác minh thực địa nếu thấy cần thiết.

Bước 3: Cơ quan tài nguyên & môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất.

Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân ban hành quyết định thu hồi đất của người đã chết mà không có người thừa kế được quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT bao gồm:

- Giấy chứng tử hoặc Quyết định tuyên bố cá nhân sử dụng đất là đã chết theo quy định pháp luật;

- Văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi thường trú của cá nhân đã chết;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nếu có);

- Biên bản xác minh thực địa của cơ quan tài nguyên & môi trường lập (nếu có);

- Trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính thửa đất;

- Tờ trình kèm dự thảo quyết định thu hồi đất theo Mẫu 10 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT

Bước 4: Tiến hành thu hồi đất

- Thu hồi trên thực địa đồng thời bàn giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

- Tiến hành chỉ đạo cập nhật và chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, cũng như hồ sơ địa chính.

- Thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo hủy Giấy chứng nhận nếu không thu hồi được Giấy chứng nhận.

- Trường hợp người đang sử dụng đất này không không chấp hành quyết định thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vận động, thuyết phục, nếu người này vẫn không thực hiện quyết định thu hồi đất thì thực hiện việc cưỡng chế theo đúng trình tự, nguyên tắc được pháp luật quy định.

- Nếu người có đất thu hồi không đồng ý và có khiếu nại quyết định thu hồi đất thì việc giải quyết.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Người chết không có người thừa kế thì nhà nước có được thu hồi đất không?”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về nhà đất, thừa kế, giải quyết tranh chấp đất đai, thừa kế... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm