BẠO LỰC GIA ĐÌNH LÀ GÌ? NHỮNG HÀNH VI ĐƯỢC COI LÀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH?

1. Bạo lực gia đình là gì? Những hành vi được coi là bạo lực gia đình?

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007). Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là việc “các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề gia đình”. Gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi như là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với rất nhiều dạng thức khác nhau. Xét về hình thức, có thể phân chia bạo lực gia đình thành các hình thức chủ yếu sau:

– Bạo lực thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ

– Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình

– Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản…)

– Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.

Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định các hành vi bạo lực bao gồm:

– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

– Cưỡng ép quan hệ tình dục;

– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Như vậy, có thể hiểu bạo lực gia đình trước hết phải là hành vi “cố ý của thành viên gia đình và hành vi này phải” gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổ hại, về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Các hành vi có thể được thể hiện dưới dạng hành động, như hành hạ, ngược đãi, đánh đập…nạn nhân hoặc không hành động, như bàng quang, thờ ơ, bỏ mặc, chiến tranh lạnh…Những hành vi thể hiện dưới dạng hành động thường xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, đồng thời cũng gây ra những tổn hại về tinh thần cho nạn nhân.

2. Hậu quả của bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ về thể xác, tinh thần mà thậm chí còn ảnh hưởng đến giống nói đặc biệt là tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em.

- Với chính nạn nhân bị bạo lực gia đình, có nhiều trường hợp khiến nạn nhân ảnh hưởng sức khỏe thậm chí mất mạng; về tinh thần thì cũng có nhiều trường hợp tinh thần không ổn định kéo theo đó tăng tỷ lệ tự tử vì bị bạo lực gia đình lên cao.

Ngoài ra, người bị bạo lực gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần, luôn hoảng sợ, lo lắng, bất an, trầm cảm và tuyệt vọng.

- Với người có hành vi bạo lực gia đình: Không chỉ nạn nhân mà người gây ra hành vi bạo lực gia đình cũng chịu một số hậu quả như: Phá hỏng mối quan hệ giữa mình và các thành viên khác trong gia đình; sau mỗi hành vi bạo lực có thể sẽ để lại tâm lý ám ảnh, ăn năn, hối lỗi, giày vò…

Đặc biệt, người bạo lực gia đình còn có thể đối mặt với mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Với trẻ em, nếu là nạn nhân hoặc sống trong gia đình thường xuyên xảy ra hành vi bạo lực gia đình, tâm lý và sức khỏe của các em sẽ không ổn định. Khi lớn lên, nhiều đứa trẻ bị ám ảnh thậm chí có những hành vi bạo lực gia đình tương tự như khi đã được chứng kiến khi còn bé.

Đặc biệt, có không ít trường hợp bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc, nghiện ma túy…

3. Cách xử lý bạo lực gia đình

Sau khi nhận rõ bạo lực gia đình là gì, bài viết sẽ trình bày cụ thể các vấn đề khác liên quan đến bạo lực gia đình. Một trong số đó là cách xử lý khi là nạn nhân và khi là người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra. Cụ thể như sau:

3.1 Người bị bạo lực gia đình phải làm gì?

Trước hết, để tự bảo vệ mình, người bị bạo lực gia đình cần tránh để xảy ra xích mích với người thường xuyên có hành vi này. Khi hành vi bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên thì việc đầu tiên mà người bị bạo lực cần làm đó là bằng mọi cách tránh xảy ra xung đột với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Khi đã không thể tránh khỏi, để được yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng… thì người bị bạo lực cần phải liên hệ ngay với các cơ quan có thẩm quyền gồm:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
  • Cơ quan công an hoặc đồn biên phòng nơi gần nhất với nơi xảy ra bạo lực gia đình.
  • Trường học nếu người bị bạo lực gia đình đang theo học.
  • Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác mặt trận nơi xảy ra bạo lực gia đình.
  • Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
  • Các số điện thoại tổng đài cần nhớ trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, sắp tới sẽ có tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình theo Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

3.2 Người chứng kiến bạo lực gia đình nên làm gì?

Khi chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra, cá nhân phải báo tin, tố giác ngay đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở trên.

Đồng thời, những người này phải tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng (căn cứ khoản 2 ĐIều 12 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).

Ngoài ra, với những thành viên khác trong gia đình, mọi người cần nhắc nhở người thân của mình phải tuân thủ quy định về phòng, chóng bạo lực gia đình.

Đồng thời, cũng cần phải đứng ra hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của các thành viên khác trong gia đình nhằm phòng tránh việc bạo lực gia đình xảy ra; nếu có hành vi bạo lực gia đình thì phải yêu cầu người thực hiện chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật đó.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Bạo lực gia đình là gì? Thế nào bị xem là bạo lực gia đình”. Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc cho quý vị và các bạn về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật dân sự, đất đai, thừa kế, lao động, hình sự, hành chính,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm