1. Pháp nhân là gì?
Bộ luật Dân sự 2015 đã dành cả chương IV để quy định về pháp nhân. Tuy nhiên Bộ luật này lại không đưa ra định nghĩa cụ thể về pháp nhân là gì. Thay vào đó, Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định:
“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”
Theo đó, có thể hiểu đơn giản, pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định bao gồm: Được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Phân loại pháp nhân
Căn cứ vào mục tiêu chính của pháp nhân, có thể chia pháp nhân thành 02 nhóm:
2.1. Pháp nhân thương mại
Theo Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại hiện bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt các pháp nhân thương mại phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật khác có liên quan.
2.2. Pháp nhân phi thương mại
Căn cứ Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân được thành lập không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.
Hiện nay, pháp nhân phi thương mại bao gồm:
- Cơ quan nhà nước.
- Đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị.
- Tổ chức chính trị - xã hội.
- Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp.
- Tổ chức xã hội.
- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Quỹ xã hội.
- Quỹ từ thiện.
- Doanh nghiệp xã hội.
- Các tổ chức phi thương mại khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Pháp nhân có quyền để lại di chúc không?
Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế có đề cập đến quyền để lại di chúc của cá nhân. Theo đó, người được lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người khác là cá nhân.
Và quy định này cũng nêu rõ, người thừa kế không phải là cá nhân chỉ được quyền hưởng di sản theo di chúc mà không nằm trong các đối tượng được quyền lập di chúc để lại di sản cho người khác.
Đồng nghĩa, pháp nhân không phải đối tượng được quyền để lại di chúc mà chỉ được hưởng di sản theo di chúc.
Đồng thời, theo định nghĩa di chúc tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, luật cũng khẳng định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của pháp nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Các đối tượng được lập di chúc nêu tại Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:
- Người thành niên minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ hay cưỡng ép lập di chúc.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc người này được lập di chúc.
Trên đây là chia sẻ của luật sư về vấn đề “Pháp nhân là gì? Pháp nhân có lập di chúc được không?”. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.
Quý vị và các bạn cần tư vấn, soạn thảo di chúc, phân chia di sản thừa kế, khai nhận di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!