ĐẤT THỔ CANH CÓ CHUYỂN THÀNH ĐẤT THỔ CƯ ĐƯỢC KHÔNG?

1. Đất thổ canh là gì?

Mặc dù được người dân sử dụng khá phổ biến nhưng pháp luật đất đai không có quy định hay giải thích thế nào là đất thổ canh. Căn cứ theo thực tiễn và nghĩa của từ “thổ canh” có thể hiểu đất thổ canh là đất trồng trọt, dùng để chỉ loại đất có mục đích là canh tác nông nghiệp.

Đất thổ canh là cách gọi phổ biến của người dân, nhất là từ những năm 90 trở về trước. Hiện nay, cách gọi này dần được thay thế bằng thuật ngữ theo quy định của pháp luật đất đai là đất nông nghiệp.

Bên cạnh đất thổ canh thì có đất thổ cư (đất ở), mặc dù đất thổ cư cũng không được pháp luật quy định hay giải thích nhưng khác với đất thổ canh, hiện nay, cách gọi đất thổ cư vẫn được sử dụng rất phổ biến.

2. Thời hạn sử dụng đất thổ canh

Vì đất thổ canh là đất nông nghiệp, mà cụ thể hơn là đất trồng trọt nên thuộc nhóm đất sử dụng có thời hạn. Nói cách khác, đất thổ canh là loại đất có thời hạn sử dụng.

2.1. Thời hạn sử dụng là 50 năm

Căn cứ khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc những trường hợp sau có thời hạn sử dụng đất là 50 năm:

Đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản; đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng.

Khi hết thời hạn 50 năm, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn là 50 năm.

2.2. Thời hạn sử dụng không quá 50 năm

- Thời hạn Nhà nước cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê (không chắc chắn 100% sẽ được tiếp tục cho thuê).

- Thời hạn Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư đó hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Riêng dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn Nhà nước giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định theo quy định trên.

Tóm lại, đất thổ canh thường có thời hạn sử dụng là 50 năm, khi hết thời hạn sẽ được tiếp tục sử dụng hoặc được xem xét gia hạn tùy vào từng trường hợp cụ thể như quy định trên.

3. Thẩm quyền giải quyết khi chuyển đất thổ canh lên đất thổ cư?

Khi làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất người dân phải nắm rõ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nếu không sẽ ghi sai thẩm quyền và bị trả lại đơn hoặc yêu cầu viết lại đơn.

Căn cứ Điều 59 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định rõ như sau:

- Đối với tổ chức: UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) quyết định.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân: UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định.

Trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.

Như vậy, hộ gia đình, cá nhân xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì trong đơn xin chuyển phải ghi rõ là: Kính gửi Ủy ban nhân dân + tên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất.

4. Hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất

4.1.Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BNTMT.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng).

4.2. Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1. Nộp hồ sơ

- Nơi nộp hồ sơ (áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân):

Cách 1: Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Cách 2: Nơi chưa tổ chức bộ phận một cửa sẽ nộp trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

- Nếu hồ sơ đầy đủ thì bộ phận tiếp nhận sẽ ghi vào sổ tiếp nhận và trao phiếu tiếp nhận cho người nộp.

- Nếu hồ sơ thiếu, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.

Bước 3. Giải quyết yêu cầu

Khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế người sử dụng đất phải nộp theo đúng số tiền và đúng thời hạn trên thông báo.

Bước 4. Trả kết quả

Thời gian giải quyết: Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Đất thổ canh có chuyển thành đất thổ cư không”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm