CÓ ĐƯỢC CẦM CỐ TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI KHÔNG?

1. Tài sản hình thành trong tương lai là gì?

Định nghĩa tài sản hình thành trong tương lai là gì hiện không được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật Dân sự hiện hành có đề cập đây là một trong những hình thức tồn tại của bất động sản và động sản.

Đồng thời, khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự cũng liệt kê các loại tài sản được xem là tài sản hình thành trong tương lai. Cụ thể gồm: Tài sản chưa hình thành hoặc tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu sau thời điểm xác lập giao dịch.

Trước đây, khoản 2 Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (hiện nay văn bản này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng văn bản khác) có liệt kê các loại tài sản hình thành trong tương lai gồm:

- Tài sản được hình thành từ vốn vay.

- Tài sản đang trong quá trình, giai đoạn hình thành hoặc tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm.

- Tài sản mặc dù đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì mới được chủ sở hữu đăng ký.

Đặc biệt, tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, hiện tại quy định này đã hết hiệu lực. Văn bản thay thế là Nghị định 21/2021/NĐ-CP không đề cập đến vấn đề này. Thay vào đó, khoản 1 Điều 8 Nghị định 21 chỉ khẳng định đây là tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không áp dụng với quyền sử dụng đất.

Hiện, các văn bản về nhà ở như khoản 4 Điều 2 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 hoặc khoản 19 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 đang giải thích nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở hoặc công trình xây dựng khác đang trong quá trình đầu tư xây dựng mà chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

2. Có được cầm cố tài sản hình thành trong tương lai không?

Cầm cố tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ (theo khoản 1 Điều 292 Bộ luật Dân sự mới nhất năm 2015). Đây được coi là việc mà bên cầm cố sẽ giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Về các loại tài sản được dùng để cầm cố thì tài sản hiện có hay tài sản hình thành trong tương lai đều được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trừ trường hợp các quy định liên quan cấm mua bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao về quyền ở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng cầm cố.

(căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP)

Từ quy định trên, có thể thấy, tài sản hình thành trong tương lai cũng hoàn toàn được phép cầm cố trừ trường hợp tài sản này bị cấm mua bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng cầm cố theo quy định nêu trên.

Lưu ý: Việc cầm cố bằng tài sản hình thành trong tương lai không áp dụng với quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

3. Cá nhân có được quyền cầm cố tài sản hình thành trong tương lai không?

Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP như sau:

Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;

2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;

3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;

4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.”

Đồng thời, các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Cầm cố tài sản.

2. Thế chấp tài sản.

3. Đặt cọc.

4. Ký cược.

5. Ký quỹ.

6. Bảo lưu quyền sở hữu.

7. Bảo lãnh.

8. Tín chấp.

9. Cầm giữ tài sản.”

Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 về cầm cố tài sản như sau:

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Như vậy, cá nhân được quyền cầm cố tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Có được cầm cố tài sản hình thành trong tương lai không”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm