GIẢM TRỪ GIA CẢNH LÀ GÌ? KHI NÀO ĐƯỢC GIẢM TRỪ GIA CẢNH

1. Giảm trừ gia cảnh là gì?

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.

Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.

2. Khi nào người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh cho bản thân?

Có thể hiểu, giảm trừ gia cảnh cho bản thân là việc đương nhiên người nộp thuế được hưởng khi kê khai thuế thu nhập cá nhân.

Theo tiết c.1 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế được áp dụng như sau:

- Trường hợp trong năm tính thuế, cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân/giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

- Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại 01 thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại 01 nơi.

- Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế nếu người này lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam (được tính đủ theo tháng).

Như vậy, người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ đương nhiên được giảm trừ gia cảnh với mức giảm trừ là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm).

3. Khi nào thì người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh?

Người phụ thuộc được hiểu là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng gồm:

- Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

- Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại tiết c.2 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể:

“c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

c.2.3) Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.”

Vì vậy, giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân và chỉ áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Bản thân người nộp thuế đương nhiên được giảm trừ và chỉ được giảm trừ cho người phụ thuộc nếu đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế

4. Mức giảm trừ gia cảnh mới nhất hiện nay

Căn cứ theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì mức giảm trừ gia cảnh được quy định như sau:

- Đối với người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

- Đối với người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng (52,8 triệu đồng/năm). 

2024 Chỉnh phủ đang nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN. Cụ thể:

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, Bộ Tài Chính cần:

- Đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành;

- Đề xuất, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới.

- Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Giảm trừ gia cảnh là gì? Khi nào được giảm trừ gia cảnh”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật về dân sự, hành chính, hình sự...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm