1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư 2005 định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.
Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành tại Luật đầu tư 2020 thì không có khái niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vào đó là khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Điều 3 quy định như sau:
“Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
18. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
...
21. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh .
22. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”
Như vậy, pháp luật hiện hành không còn khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà đã tách bạch cụ thể khái niệm này thành nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những loại hình của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông
2. Điều kiện để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Để được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam một cách hợp pháp, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ phải tuân thủ các điều kiện chung khi thành lập doanh nghiệp mà còn phải đảm bảo đạt được những điều kiện riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:
2.1. Điều kiện đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn từ đầu thành lập công ty
- Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020, công ty/doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được quy định tại Điều 9 của bộ luật này. Nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép tham gia một số ngành, nghề được nhà nước cho phép đầu tư và không được tham gia những ngành, nghề bị cấm;
- Để chuẩn bị cho việc thành lập công ty, nhà đầu tư nước ngoài cần có: dự án đầu tư; làm thủ tục xin cấp (điều chỉnh) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2.2. Điều kiện đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua vốn góp, mua cổ phần
- Theo quy định tại Điều 24, Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường được quy định tại Khoản 3 Điều 9 của bộ luật này và Điều 15, 16, 17 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
- Phải bảo đảm quốc phòng, an ninh căn cứ theo quy định của Luật Đầu tư 2020;
- Tuân thủ quy định của luật đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
2.3. Điều kiện về chủ thể và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài
Chủ thể đầu tư nước ngoài có thể là cá nhân trên 18 tuổi, tổ chức, doanh nghiệp mang quốc tịch của thành viên WTO hoặc có ký điều ước song phương liên quan đến đầu tư với Việt Nam.Tuy nhiên, một số ngành nghề mà chỉ nhà đầu tư nước ngoài là pháp nhân mới được phép đầu tư tại Việt Nam. Những nhà đầu tư cá nhân mang hộ chiếu có nội dung “đường lưỡi bò” sẽ không thể góp vốn đầu tư tại Việt Nam hoặc đảm nhận vai trò người đại diện quản lý phần vốn đầu tư cho các tổ chức hoặc công ty được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật
Không có quy định cụ thể về quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài từ bất kỳ quốc gia nào đều có thể đầu tư tại Việt Nam, miễn là tuân thủ các quy định pháp luật và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần phải được phê duyệt và tuân thủ các quy định liên quan đến an ninh quốc gia, cạnh tranh, và phê duyệt doanh nghiệp. Các điều khoản cụ thể về quy định chủ thể và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài có thể được tìm thấy trong các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật khác liên quan đến việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
2.4. Điều kiện về năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ năng lực tài chính để đầu tư và cần chứng minh được năng lực tài chính đầu tư tại Việt Nam tùy theo ngành nghề đã chọn. Tuy nhiên, các yêu cầu tài chính cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào các quy định và chính sách cụ thể của chính phủ Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thẩm định và làm quen với các luật và quy định liên quan điều chỉnh lĩnh vực họ đã chọn để đảm bảo họ đáp ứng tất cả các yêu cầu tài chính cần thiết trước khi tiến hành kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài nên tham khảo ý kiến của các cố vấn pháp lý và tài chính có chuyên môn về luật đầu tư của Việt Nam để đảm bảo tuân thủ.
2.5. Điều kiện về trụ sở công ty dự định đăng ký và địa điểm thực hiện dự án
Nhà đầu tư nước ngoài cần có địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thông qua hợp đồng thuê địa điểm, hợp đồng thuê nhà, thuê đất, và giấy tờ nhà đất hợp pháp của bên cho thuê để làm trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án.
Đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nhà đầu tư phải chứng minh đủ điều kiện cho thuê nhà xưởng và có hợp đồng thuê nhà xưởng trong các cụm, khu công nghiệp.
2.6. Điều kiện về năng lực kinh nghiệm và các điều kiện đặc thù theo lĩnh vực đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện cụ thể đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với lĩnh vực thương mại, bán buôn bán lẻ hàng hóa, nhà đầu tư cần chứng minh có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư.
3. Các bước để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, gồm có:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
- Tài liệu về tư cách pháp lý:
+ Nhà đầu tư là cá nhân: CMND/CCCD/Hộ chiếu (bản sao).
+ Nhà đầu tư là tổ chức: Giấy chứng nhận thành lập/Văn bản pháp lý khác có giá trị tương đương (bản sao).
- Đề xuất dự án đầu tư gồm có: Thông tin của nhà đầu tư, mục tiêu, vốn đầu tư, quy mô và phương án huy động vốn, thời hạn, địa điểm và tiến độ đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án và đề xuất hưởng ưu đãi về đầu tư.
- Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư:
+ Nhà đầu tư là cá nhân: Sổ tiết kiệm, giấy tờ xác nhận số dư tài khoản,...
+ Nhà đầu tư là tổ chức: Báo cáo tài chính của 02 năm gần nhất/Cam kết tài chính của tổ chức tài chính/Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ/Tài liệu chứng minh năng lực tài chính/Bảo lãnh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
- Nếu dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất hay cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp giấy tờ về quyền sử dụng đất/tài liệu xác định quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án (bản sao).
- Giải trình công nghệ sử dụng trong dự án đối với dự án thuộc diện phải được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ theo quy định về chuyển giao công nghệ.
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức của hợp đồng BCC.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nộp hồ sơ nêu trên cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp dự án được thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện dự án hoặc dự kiến đặt văn phòng.
Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư (theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).
Bước 4: Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì tiếp tục làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ được quy định tại Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư.
- Điều lệ của công ty.
- Danh sách thành viên/cổ đông tuỳ từng loại hình doanh nghiệp.
- Nếu là cá nhân: CMND/CCCD/Hộ chiếu hoặc tài liệu chứng thực cá nhân hợp pháp (bản sao).
- Nếu là tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập/tài liệu tương đương của tổ chức và văn bản uỷ quyền; Giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người đại diện (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/tài liệu tương đương đã được hợp pháp hóa lãnh sự của thành viên là tổ chức nước ngoài (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan thẩm quyền cấp.
Hồ sơ được nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi công ty có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính.
Bước 5: Tiến hành công bố thông tin doanh nghiệp.
Bước 6: Khắc con dấu.
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty tiến hành khắc dấu pháp nhân.
Bước 7: Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
Sau khi thực hiện các bước trên, công ty có vốn nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng ngoại tệ tại một ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thu chi hợp pháp bằng ngoại tệ tại Việt Nam.
Bước 8: Thực hiện các thủ tục khác sau thành lập công ty
Sau khi hoàn thiện các bước trên, nhà các nhà đầu tư thực hiện góp vốn đầu tư theo cam kết và đăng ký chữ ký số, đề nghị phát hành hoá đơn điện tử, kê khai nộp thuế,...
Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Điều kiện và các bước để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.
Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!