1. Qui định của pháp luật về lối đi chung
Lối đi chung (hay còn gọi là “ngõ đi chung”) được hiểu là phần diện tích đất được cắt ra để các chủ sử dụng đất sử dụng làm lối đi ra đường giao thông công cộng.
Khoản 1 Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau:
Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, pháp luật đã quy định rõ về một trong những quyền đặc biệt của người sử dụng đất đối với bất động sản liền kề, trong đó không thể không nói tới “quyền về lối đi qua” hay còn thường được người dân gọi là quyền về lối đi chung của người sử dụng đất.
Như vậy, mỗi chủ sở hữu nhà đất sở hữu nhà đất bị vây bọc bởi bất động sản của chủ sở hữu khác nhưng không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng có quyền được yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành ra cho mình một lối đi hợp lý, đảm bảo thuận tiện và ít gây phiền hà cho các bên trên phần đất của họ.
Tuy nhiên, khi yêu cầu mở lối đi qua thì bên yêu cầu mở lối qua vẫn phải có sự đền bù hợp lý cho chủ sở hữu bất động sản mở lối đi qua, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Lưu ý: Nếu bất động sản được chia thành nhiều phần cho nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì phải dành ra lối đi cần thiết cho người ở phía trong mà không có đền bù. (theo khoản 3 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015)
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lối đi chung
Tại Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, việc hòa giải khi có tranh chấp về lối đi chung là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện trừ trường hợp tranh chấp lối đi chung liên quan tới thừa kế, giao dịch liên quan tới quyền sử dụng đất, chia tài sản…
Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp về đất đai, nhà nước cũng khuyến khích các bên tự hòa giải trước với nhau hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, người dân buộc phải thực hiện việc hòa giải tại UBND cấp có thẩm quyền trước khi khởi kiện.
Theo đó, nếu không thể tự hòa giải thì các bên có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để thực hiện hòa giải (theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai số 45/2013/QH13).
Về bản chất, tranh chấp quyền về lối đi là tranh chấp về quyền khác đối với tài sản (cụ thể là quyền đối với bất động sản liền kề) chứ không liên quan tới tranh chấp đất đai. Vì vậy, UBND cấp xã cũng không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.
Theo đó, người dân có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án cấp huyện để giải quyết tranh chấp lấn chiếm đất thuộc phần lối đi chung sau khi đã thực hiện việc hòa giải tại UBND cấp xã, phường nơi có đất.
3. Cách giải quyết khi hàng xóm chặn lối đi chung
Cách giải quyết tranh chấp đối với lối đi chung và tranh chấp đất đai là khác nhau. Cách giải quyết tranh chấp khi hàng xóm chặn lối đi chung như sau:
3.1. Thực hiện hòa giải:
Như đã trình bày ở trên, việc hòa giải trong tranh chấp lối đi chung là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện. Có 02 phương án hòa giải trước khi khởi kiện khi có tranh chấp về lối đi chung gồm:
- Tự hòa giải giữa các bên (không bắt buộc)
- Hòa giải ở cơ sở (bắt buộc)
Theo đó, nếu không tự hòa giải được, người dân có thể làm đơn yêu cầu UBND cấp xã tiến hành hòa giải tranh chấp (trường hợp ở đây là lấn chiếm lối đi chung) giữa các bên.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi nhận được đơn, UBND cấp xã sẽ tiến hành hòa giải và biên bản kết quả hòa giải nếu hòa giải thành theo quy định của Luật Đất đai.
Nếu hòa giải không được, UBND xã có thể ra quyết định xử phạt đối với các hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại trong việc sử dụng đất của người khác.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc xây tường rào lấn chiếm lối đi chung gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các hộ gia đình khác bị xử phạt từ 05 - 10 triệu đồng và buộc phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đường đi.
Cụ thể:
- Đưa vật liệu xây dựng/vật khác lên lối đi mà gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác: phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.
- Đưa chất thải/chất độc hại lên lối đi mà gây cản trở, thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác: phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
- Đào bới, xây tường, làm hàng rào lên lối đi chung: Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện. Trường hợp do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Như vậy, trên đây là 02 cách thức được Nhà nước khuyến khích khi xảy ra tranh chấp về lối đi chung.
Tuy nhiên, nếu kết quả giải quyết vẫn chưa thỏa đáng, người dân có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện/tỉnh hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lấn chiếm đất thuộc phần ngõ đi chung.
3.2 Đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện lên Tòa án
Riêng đối với tranh chấp về lối đi chung, trường hợp đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lên UBND xã nhưng không thể hòa giải, theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai cách giải quyết tranh chấp như sau:
Cách 1: Khiếu nại tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Tòa án nơi có đất. Cụ thể:
Nếu UBND xã cũng không hòa giải được việc hàng xóm xây nhà chặn, bít lối đi chung ra đường công cộng thì nộp đơn lên cấp có thẩm quyền cao hơn để giải quyết.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành nhưng một trong 02 bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải, UBND cấp xã sẽ lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nơi có đất.
Theo quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015, đối với tranh chấp liên quan đến lấn chiếm lối đi chung thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp.
Theo đó, trường hợp bị lấn chiếm lối đi chung mà không thể hòa giải được các bên có thể thực hiện việc tố cáo, khởi kiện hành vi lấn chiếm lên Tòa án cấp huyện theo quy định tại khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai 2013.
Nếu việc bịt ngõ, chặn ngõ còn gây ra thiệt hại và chứng minh được thiệt hại đó thì chủ sử dụng đất bị thiệt hại hoàn toàn có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.
Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Bị hàng xóm chặn lối đi chung thì khiếu nại ở đâu?”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.
Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp về dân sự, đất đai, hôn nhân, thừa kế, lao động, ... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!