DOANH NGHIỆP TRẢ LƯƠNG THẤP HƠN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU THÌ CÓ BỊ PHẠT KHÔNG?

1. Mức lương tối thiểu theo qui định của pháp luật hiện nay:

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu theo các vùng từ 1/7/2024 tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể:

Mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau: Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng; Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I  tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định này.

2. Doanh nghiệp có được trả lương thấp hơn lương tối thiểu cho người lao động không?

Căn cứ vào Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Tiền lương

1.Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2.Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3.Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”

Theo như quy định trên thì người sử dụng lao động trả lương cho người lao động theo công việc hoặc theo chức danh thì không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, theo pháp luật hiện hành không có quy định về trường hợp nào doanh nghiệp được quyền trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

3. Doanh nghiệp cho lương thấp hơn mức tối thiểu thì bị phạt như thế nào?

Như đã đề cập, doanh nghiệp buộc phải trả lương cho người lao động theo số tiền mà các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Nếu cố tình trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

“a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.”

Như vậy, tùy vào số lượng người lao động bị trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng mà người sử dụng lao động là cá nhân phải từ 20 - 75 triệu đồng. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022, người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi từ 40 - 150 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.

4. Người lao động bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu thì phải làm gì?

Để đòi lại đầy đủ tiền lương mà mình đáng được hưởng, người lao động bị trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng có thể thực hiện theo một trong các cách sau:

Cách 1. Khiếu nại

Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, với tranh chấp về tiền lương, trước tiên, người lao động phải gửi đơn khiếu nại đến doanh nghiệp để yêu cầu thanh toán đủ tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng.

Nếu doanh nghiệp cố tình không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có quyền khiếu nại lần 02 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại mà phát hiện doanh nghiệp vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp phải trả đủ lương và tiền lãi cho người lao động.

Cách 2. Tố cáo

Hành vi trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Do đó, theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể tố cáo trực tiếp vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Khi giải quyết vụ việc mà xác định doanh nghiệp vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp phải trả đủ lương và tiền lãi cho người lao động.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu có bị xử phạt không”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về doanh nghiệp, hôn nhân, thừa kế, nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,tranh chấp tài sản khi ly hôn... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm