Điều kiện được nhận nuôi, cho nuôi con nuôi tại Việt Nam. Trường hợp nào được phép cho con nuôi? Trường hợp nào được phép nhận con nuôi tại Việt Nam theo quy định của pháp luật mới nhất 2019.
Việc nhận nuôi con nuôi đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội Việt Nam xuất phát từ tinh thần muốn giúp đỡ người trong hoàn cảnh khó khăn, muốn cưu mang người khác, hoặc do mong muốn của chính bản thân người nhận nuôi. Do đó, hiện nay các trường hợp nhận con nuôi, cho con nuôi đã và đang được thực hiện khá phổ biến đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Mặc dù việc nhận con nuôi là vấn đề xuất phát từ mục đích nhân đạo nhưng việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi được thực hiện theo các quy định của pháp luật thông qua sự kiện đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và để tránh những trường hợp lạm dụng việc cho con nuôi, nhận nuôi con nuôi xâm phạm đến quyền và lợi ích của trẻ em thì pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ về điều kiện để được thực hiện việc đăng ký nhận con nuôi
Việc nhận nuôi con nuôi hay cho nhận con nuôi xuất phát từ nguyện vọng của mỗi bên, theo đó sự đồng ý của che mẹ, của các cơ quan, tổ chức đang nuôi người được nhận làm con nuôi là điều kiện bắt buộc phải có.
Theo đó đối với trường hợp người được nhận làm con nuôi đang là con của người khác thì phải được cha mẹ đẻ đồng ý khi con đã sinh ra ít nhất 15 ngày ,nếu cha hoặc mẹ đã chết, hay mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại phải đồng ý, nếu cha mẹ đẻ không còn thì người giám hộ phải đồng ý. Ngoài ra nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải nhận được sự đồng ý của người này. Sự đồng ý của tất cả các chủ thể trên hoàn toàn phải tự nguyện, trung thực, không bị đe dọa về mặt tinh thần, vũ lực, không bị mua chuộc và hoàn toàn tỉnh táo minh mẫn. Sau khi nhận được sự đồng ý của những người liên quan thì cần chuẩn bị hồ sơ cho trẻ những giấy tờ sau:
-Giấy khai sinh;
-Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
-Văn bản đồng ý của người có liên quan.
Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, là người đảm bảo cho trẻ được nhận nuôi một cuộc sống đảm bảo về vật chất và tinh thần nên để được nhận nuôi con nuôi chủ thể này cũng phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật.Căn cứ theo quy định tại điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 người nhận con nuôi cần phải đáp ứng những điều kiện sau:
-Người nhận con nuôi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Để có thể tham gia các giao dịch dân sự và trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự trên thực tế, mỗi cá nhân phải có tư cách chủ thể trong đó có phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập những quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự,và thực hiện những quyền và nghĩa vụ dân sự đó. Căn cứ theo điều 20 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ các trường hợp quy định về người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; hạn chế năng lực hành vi dân sự. Như vậy, pháp luật mặc định người từ đủ 18 tuổi là người có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đủ điều kiện về hành vi và nhận thức trong quan hệ pháp luật dân sự. Theo đó chỉ có những người có khả năng làm chủ hành vi, có khả năng tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự mới có đủ điều kiện để nhận nuôi con nuôi.
-Người nhận nuôi con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.
Quy định của Luật nuôi con nuôi 2010, người nhận nuôi con nuôi phải hơn con nuôi của mình 20 tuổi, một mặt để đảm bảo về độ tuổi kết hôn của hai bên nam, nữ khi muốn nhận nuôi con nuôi; mặt khác để đảm bảo về kiến thức, khả năng nuôi con bảo vệ và chăm sóc con,nhằm mang lại cho đứa trẻ được nhận làm con nuôi một mái ấm gia đình, được yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần tuân thủ theo điều kiện này.
-Người nhận con nuôi có điều kiện về sức khỏe, tài chính, chỗ ở để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi
Việc nuôi con nuôi cũng xuất phát từ nhu cầu tình cảm của người nhận nuôi, nhằm thiết lập quan hệ tình cảm gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Do đó, để đảm bảo cho con nuôi được phát triển cả về thể chất và tinh thần thì người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe để chăm sóc con, có đủ tài chính để đảm bảo cho con các quyền lợi về ăn, ở, sinh hoạt. cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì vì tính chất huyết thống, hoàn cảnh gia đình nên không cần phải đáp ứng những điều kiện này.
-Người nhận nuôi con nuôi có tư cách đạo đức tốt.
Bên cạnh các điều kiện về điều kiện vật chất nuôi con thì người nhận nuôi con nuôi phải có tư cách đạo đức tốt để đảm bảo cho con có môi trường sống tốt về mặt tinh thần để con phát triển toàn diện. Việc yêu cầu kiểm tra tư cách đạo đức của người nhận nuôi con nuôi thông qua phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ nhận nuôi con nuôi giúp sàng lọc những đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt là những tội danh liên quan đến bạo lực gia đình, ngược đãi ông bà, bố mẹ…, xâm hại đến quyền lợi của trẻ em… thì sẽ bị hạn chế được nhận nuôi con nuôi.
Cần lưu ý ngoài những điều kiện được nêu trên thì khi nhận con nuôi thì người nhận nuôi con sẽ không được nhận nuôi con nếu như đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; người đó đang chấp hành hình phạt tù; người nhận nuôi con nuôi chưa được xóa án tích về các tội xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, ngược đãi những người trong gia đình.Đối với trường hợp xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, người nhận nuôi là người nước ngoài thì cũng sẽ áp dụng những điều kiện như trên
Tương ứng với những điều kiện được nhận nuôi con nuôi được phân tích ở trên thì người nhận nuôi con nuôi cần chuẩn bị những giấy tờ sau theo quy định tại Điều 17 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định như sau:
– Đơn đề nghị xin nhận con nuôi
– Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân của người xin nhận con nuôi
– Phiếu lý lịch tư pháp;
-. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp
– Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
Như vậy, đối với việc nhận nuôi con nuôi phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi, không được trái với mục đích của việc nuôi con và những chuẩn mực đạo đức xã hội. Từ nền tảng đó người nhận nuôi và người được nhận nuôi thiết lập quan hệ cha mẹ và con, xây dựng một gia đình thật sự, đúng với bản chất của việc nhận nuôi con nuôi
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!