Diện tích tối đa được cấp sổ đỏ? Diện tích đất thổ cư tối đa? Hạn mức tối đa để công nhận đất ở theo quy định mới nhất 2019.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là chứng từ pháp lý ghi nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó để được hợp pháp hóa quyền sử dụng đất của mình thì người sử dụng đất phải tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trong đó bao gồm điều kiện về hạn mức tối đa về diện tích để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy trước khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải tiến hành tìm hiểu về diện tích tối đa để được cấp sổ đỏ theo các quy định như sau.
Thứ nhất, khái niệm:
– Khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, có quyền sở hữu nhà ở và có quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
– Khái niệm hạn mức sử dụng đất:
Hạn mức sử dụng đất bao gồm có bốn loại hạn mức là hạn mức trong việc giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở, hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
– Khái niệm đất ở:
Đất ở là ngôn ngữ pháp lý được luật đất đai ghi nhận, ngoài ra trên thực tế người dân hay sử dụng cụm từ đất ở bằng đất thổ cư. Trong đó đất ở hay đất thổ cư đều là đất dùng để ở, xây dựng nhà ở kiên cố. Đất ở có hại loại là đất ở tại nông thôn hoặc đất ở tại đô thị.
– Khái niệm đất nông nghiệp:
Đất nông nghiệp là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và mục đích bảo vệ, phát triển rừng. Đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 bao gồm: đất trồng cây hàng năm; trồng cây lâu năm; đất rừng phòng hộ, sản xuất, đặc dụng; đất làm muối; đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp khác;
Thứ hai, hạn mức giao đất nông nghiệp:
Hạn mức giao đất nông nghiệp mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tiến hành hoạt động sản xuất nông nghiệp được quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013 cụ thể như sau:
– Đối với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối và đất nuôi trồng thủy sản thì được giao trong hạn mức phân theo vùng miền:
+ Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nằm trong khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long được giao đất có diện tích nhỏ hơn 03 héc ta cho mỗi loại đất;
+ Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại các khu vực khác có diện tích tối đa là 02 héc ta cho mỗi loại đất;
– Đối với đất trồng cây lâu năm tại xã, phường, thị trấn:
+ Tại đồng bằng thì diện tích được giao không được lớn hơn 10 héc ta, và có thể được giao thêm vượt hạn mức không lớn hơn 05 héc ta;
+ Tại khu vực trung du, miền núi thì không được vượt quá 30 héc ta đất, tượng tự như tại đồng bằng thì vùng trung du, miền núi cũng có thể được giao thêm nhưng diện tích giao thêm không quá 25 héc ta;
– Đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ chỉ được giao không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất này; Riêng diện tích đất rừng sản xuất có thể được giao thêm nhưng không được quá 25 héc ta;
– Đối với vùng đệm của rừng đặc dụng thì hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, làm muối, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản thì theo quy định về hạn mức nêu trên;
– Đối với đất trống, đồi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng bây giờ sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao cho các hộ gia đình, cá nhân không quá hạn mức giao đất quy định nêu trên và cũng không tính chung vào hạn mức giao đất đó mà hộ gia đình cá nhân, có thể được giao.
Ví dụ hộ gia đình ông Nguyễn Văn A (ở xã thuộc khu vực đồng bằng) được giao 7 héc ta đất thuộc vùng đồi trọc để trồng rừng làm lâm nghiệp nhưng diện tích 07 héc ta này không tính trong hạn mức tức là ngoài ra ông A vẫn có thể được giao không quá 10 héc ta đất để trồng cây lâu năm.
Thứ ba, hạn mức giao đất và công nhận đất ở:
Hạn mức giao đất và công nhân đất ở do Nhà nước quy định nhưng được giao cho các địa bàn địa phương quyết định căn cứ vào quỹ đất, điều kiện kinh tế và xã hội tại địa bàn địa phương cũng như căn cứ vào nhân khẩu của hộ gia đình. Cụ thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành ra Quyết định về hạn mức giao đất và công nhận đất ở sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Ví dụ: chị Nguyễn Thị B được Ủy ban nhân dân quận Hải Châu giao cho đất ở nhưng diện tích tối đa phải trong hạn mức 150m2 một hộ đối với vị trí đất tại phường Hòa Cường Bắc theo Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng ban hành.
Như vậy luật định diện tích tối đa để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở chính là hạn mức giao đất và công nhận đất ở do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Nếu trong trường quá hạn mức này các hộ gia đình, cá nhân không thể làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ tư, thẩm quyền giao đất:
– Đối với đồi núi trọc, đất trống, đất có mặt nước chưa được sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc giao đất cho cá nhân, hộ gia đình.
– Giao đất hoặc công nhận đất ở, các loại đất nông nghiệp trong hạn mức nêu trên thuộc về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Lưu ý đối với diện tích tối đa cấp sổ đỏ:
– Đối với các hộ gia đình, cá nhân có được đất nông nghiệp từ nguồn gốc là do nhận chuyển nhượng, thừa kế, nhận tặng cho, nhận góp vốn; do thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; nhận khoán đất từ các cá nhân, hộ gia đình khác hoặc được Nhà nước cho thuê đất thì phần diện tích này sẽ không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp nêu trên;
– Đối với các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao nhiều loại đất khác tnhau trong đó bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất làm muối hoặc đất nuôi trồng thủy sản thì tổng hạn mức giao đất trong trường hợp này không được quá 05 héc ta;
– Đối với hộ gia đình, cá nhân có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú khác với nơi có bất dộng sản thì diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng sẽ được tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên nếu đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì diện tích đang sử dụng này sẽ được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013;
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!