Hiện nay, đối với đất nông nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi nhằm thực hiện các mục đích an ninh quốc phòng hay phát triển kinh tế, xã hội, hoặc vì những mục đích khác thì người có đủ điều kiện sẽ được hưởng đền bù đối với đất. Do đây là tư liệu sản xuất chính của người nông dân, nên khi Nhà nước thu hồi cần có phương án bồi thường phù hợp cho người dân, để họ có thể tiếp tục lao động sản xuất, ổn định đời sống. Vậy người dân khi bị thi hồi đất nông nghiệp sẽ nhận được mức giá đền bù là bao nhiêu? Cách tính giá đền bù đất nông nghiệp như thế nào là đúng? Để giải đáp băn khoăn của khách hàng trong vấn đề này, Luật Nhân Hòa xin gửi đến bạn bài viết về Cách tính giá đền bù đất nông nghiệp như sau:
Thứ nhất, các hình thức đền bù khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp:
Theo quy định tại Điều 74 Luật Đất Đai 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi, người dân khi có đất bị thu hồi có đủ điều kiện được đền bù theo quy định thì sẽ được đền bù theo hai hình thức sau:
+ Đền bù bằng đất: Việc đền bù được thực hiện bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi, loại đất bị thu hồi là đất nông nghiệp thì sẽ được đền bù bằng một diện tích đất nông nghiệp tương đương phù hợp.
+ Đền bù bằng tiền: Trường hợp không có đất để đền bù thì người dân sẽ được bồi thường một khoản tiền bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi. Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới, nếu có chênh lệch về giá trị thì phải thanh toán bằng tiền đối với phần chênh lệch đó.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được đền bù bằng đất có cùng mục đích sử dụng để có thể tiếp tục lao động sản xuất. Hoặc nếu không có đất để đền bù thì người dân sẽ được đền bù bằng tiền, tiền đền bù được tính theo giá đất vào thời điểm quyết định thu hồi.
Thứ hai, các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp:
Ngoài các khoản đền bù về đất khi bị thu hồi, chủ sở hữu đất nông nghiệp sẽ còn được xem xét nhận các hỗ trợ khác. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai 2013 như sau:
+ Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất:
Đây là khoản hỗ trợ cho các đối tượng đang sử dụng đất nông nghiệp được hướng dẫn cụ thể tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Giúp các đối tượng đang có thu nhập dựa trên việc sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất có thể phần nào ổn định đời sống của mình, và có thể tiếp tục lao động sản xuất nông nghiệp trên phần đất được đền bù nếu như được bồi thường bằng đất.
+ Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm:
Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất bị thu hồi mà dẫn đến không có điều kiện tiếp tục sản xuất, thu nhập bị suy giảm thì có thể được xem xét hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ dựa trên điều kiện thực tế của địa phương. Địa phương sẽ lập và phê duyệt đồng thời phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm nghề nghiệp với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, và trong quá trình lập phương án này phải lấy ý kiến của cả người thu hồi đất.
+ Hỗ trợ khác:
Các khoản hỗ trợ khác này sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ dựa trên tình hình thực tế của địa phương. Mục đích là để bảo đảm công bằng với người có đất bị thu hồi, đảm bảo họ đều có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mà đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện của địa phương.
Thứ ba, cách tính giá đền bù khi bị thi hồi đất nông nghiệp:
Như vậy, khi bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi sẽ nhận được phần đền bù với đất và được xem xét nhận các khoản hỗ trợ. Cụ thể cách tính giá các khoản bồi thường này như sau:
1. Tính giá bồi thường với đất thu hồi.
Trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không thể bồi thường lại bằng một diện tích đất nông nghiệp khác cho người dân thì sẽ thực hiện bồi thường bằng tiền.
Việc xác định giá đất bồi thường sẽ dựa trên bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Việc xác định giá đất cụ thể được dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai từ đó áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.
Đất được đền bù là đất trong hạn mức cấp đất nông nghiệp ở địa phương. Phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức không được đền bù về đất nhưng được đền bù chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Như vậy tiền đền bù đất sẽ được tính bằng: = Diện tích đất bị thu hồi (m2) x Giá đền bù (VNĐ/m2).
Trong đó giá đất được tính bằng = Giá đất ghi trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh đất nông nghiệp qua các năm x Hệ số điều chỉnh khác (nếu có).
2. Mức giá hỗ trợ đối với đất nông nghiệp.
– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất:
Mức hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP như sau:
+ Tiền hỗ trợ ổn định đời sống: Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu sẽ được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương. Trong đó:
Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ tối đa:
- 06 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.
- 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
- 24 tháng trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.
Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ:
- 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.
- 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
- 36 tháng trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.
+ Tiền hỗ trợ ổn định sản xuất:
Hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất = 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
Thêm vào đó hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp được hỗ trợ về giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.
– Tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp.
Mức hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp được quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:
Tiền hỗ trợ = Diện tích đất được bồi thường (m2) x Giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất x Hệ số bồi thường do địa phương quy đinh.
Địa phương quy định giá đất nông nghiệp, và hệ số bồi thường do địa phương quy định nhưng mức tối đa là không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi nằm trong hạn mức giao đất ở địa phương.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27 (Gặp Ls. Quỳnh Yên)
Trân trọng!