Cán bộ công chức, viên chức có được góp vốn thành lập công ty không? Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới nhất
Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, sự phát triển của các loại hình tổ chức kinh tế, sự mở rộng của các ngành, nghề kinh doanh… đã cho thấy kinh doanh là việc làm mà không chỉ có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, mà còn là cơ sở để tạo ra nhiều lợi nhuận cho người thực hiện đầu tư kinh doanh so với những người làm ngành nghề khác. Hơn nữa đối với việc đầu tư kinh doanh, dù là thể hiện dưới việc thành lập công ty (doanh nghiệp) hay thành lập hợp tác xã, hay kinh doanh nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh thì người đầu tư kinh doanh có thể là bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề kinh doanh. Vậy, có một câu hỏi đặt ra là cán bộ, công chức, viên chức có được góp vốn thành lập công ty hay không? Để giải quyết về này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Nhân Hòa sẽ đề cập đến quyền góp vốn thành lập công ty của cán bộ, công chức trong việc góp vốn thành lập công ty.
Hiện nay, quy định về việc cán bộ, công chức, viên chức có được góp vốn thành lập công ty hay không được quy định cụ thể tại Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật viên chức năm 2010, Luật cán bộ công chức năm 2008. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định về quyền của cán bộ, công chức và viên chức trong việc thành lập và quản lý điều hành công ty.
Trước hết, công ty, dù là công ty trách nhiệm hữu hạn hay là công ty cổ phần…thì đều được xác định doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khi nói đến quyền thành lập công ty đồng nghĩa với việc đang xác định về các chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành. Cụ thể:
Quyền được đầu tư kinh doanh, thành lập doanh nghiệp là một trong những quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, thể hiện thông qua việc quy định công dân có quyền được lao động, làm việc, kinh doanh tạo ra thu nhập hợp pháp. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014, cũng khẳng định, tất cả các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập doanh nghiệp, trừ một số đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014. Trong đó, các chủ thể là cá nhân không có quyền thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty nói riêng sẽ bao gồm những đối tượng sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức và viên chức.
– Các đối tượng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc các đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, trừ một số cá nhân được Nhà nước cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp.
– Người giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo, hoặc quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp Nhà nước, một số cá nhân được Nhà nước cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp khác.
– Người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi.
– Người chưa đủ 18 tuổi (tức người chưa thành niên).
– Người đang bị hạn chế quyền công dân do đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; hoặc thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, hoạt động trong lĩnh vực nhất định theo nội dung bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, hoặc thuộc một số trường hợp vị hạn chế theo pháp luật về phòng – chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, trong quy định tại Điều 20 Luật cán bộ, công chức năm 2008 cũng đề cập về việc cấm cán bộ, công chức làm những công việc vi phạm quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Còn Điều 14 Luật viên chức năm 2010 cũng quy định về việc cấm viên chức tham gia quản lý điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư, tổ chức nghiên cứu tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đồng thời trong quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng có quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viên tư, trường học tư, tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ pháp luật có quy định khác.
Trên cơ sở xem xét các quy định của pháp luật nêu trên có thể xác định, cán bộ công chức và viên chức đều không được quyền thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành công ty.
Thứ hai, quy định về quyền của cán bộ, công chức và viên chức trong việc góp vốn vào công ty.
Như đã phân tích, cán bộ, công chức, viên chức là những đối tượng không được phép thành lập, tham gia thành lập, quản lý và điều hành công ty, nhưng đối với quyền góp vốn của những đối tượng này vào công ty, pháp luật cũng có những quy định nhất định. Cụ thể:
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể khoản 3 Điều 18, có quy định về việc cán bộ, công chức, viên chức vẫn được quyền góp vốn vào doanh nghiệp, cụ thể góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trừ trường hợp họ thuộc đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trong khi đó, tại Điều 20 Luật cán bộ công chức năm 2008 và tại Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, có quy định:
– Cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan hoặc là vợ/chồng của những người này sẽ không được góp vốn vào công ty hoạt động trong ngành, nghề mà người này thực hiện công việc quản lý nhà nước.
– Cán bộ, công chức, viên chức là vợ/chồng, bố/mẹ, con của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được kinh doanh trong phạm vi lĩnh vực mà vợ/chồng, bố/mẹ, con của họ quản lý trực tiếp.
– Cán bộ, công chức, viên chức đã thôi giữ chức vụ quản lý trước đây thì không được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây họ có trách nhiệm quản lý trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 14 Luật viên chức năm 2010 có quy định viên chức được quyền góp vốn vào các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã…, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trên cơ sở những căn cứ nêu trên, có thể xác định, cán bộ, công chức, viên chức được quyền góp vốn vào công ty để thực hiện việc đầu tư, kinh doanh của mình, trừ một số đối tượng nhất định được quy định tại Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức cũng giống như các đối tượng cá nhân khác hoàn toàn được quyền kinh doanh khác ngoài phạm vi công việc họ đang đảm nhận để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do họ là công chức, viên chức, cán bộ – là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan đảng, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp… thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nên pháp luật về doanh nghiệp, về phòng chống tham nhũng và quy định về cán bộ, công chức viên chức đều quy định cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập, tham gia thành lập, quản lý hoặc điều hành công ty (doanh nghiệp) để đảm bảo tính khách quan, tránh việc tham nhũng, trục lợi cá nhân. Còn đối với quyền góp vốn vào công ty, họ vẫn được quyền thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần của công ty, trừ một số đối tượng nhất định theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!