Lỗi đi vào đường cấm: Mức phạt cụ thể đối với ô tô, xe taxi, hợp đồng. Đi vào đường cấm bị phạt bao nhiêu tiền, có bị giữ bằng lái xe không?
Hệ thống giao thông đường bộ tại Việt Nam khá phức tạp trong đó có rất nhiều loại đường khác nhau với các quy định khác nhau về làn đường, trọng tải, loại xe được phép lưu thông,… dẫn đến không phải bất cứ loại phương tiện nào cũng có thể lưu thông trên tất cả các tuyến đường giao thông đường bộ. Trong đó có một số đường cấm không cho một số phương tiện nhất định lưu thông, nếu người điều kiện phương tiện không tuân thủ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. Sau đây chúng tôi sẽ nêu rõ các mức phạt cụ thể tương ứng với các loại phương tiện khi phạm phải lỗi đi vào đường cấm theo những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành để mọi người nắm rõ.
Thứ nhất, khái niệm, cách nhận biết và phân loại đường cấm:
– Khái niệm: Đường cấm được hiểu là loại đường không cho một hoặc một số hoặc toàn bộ các phương tiện đường bộ lưu thông, nếu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi vào các đường được xác định là đường cấm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
– Phân loại: Đường cấm bao gồm hai loại là đường cấm theo giờ và đường cấm phương tiện.
Trong đó đường cấm theo giờ thường được áp dụng tại các thành phố lớn, khu đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…Đường cấm phương tiện bao gồm đường cấm tất cả các phương tiện và đường cấm một hoặc một số phương tiện giao thông đường bộ.
– Cách nhận biết đường cấm:
Người điều khiển phương tiện xe ô tô, xe taxi, xe hợp đồng muốn nhận biết được đường nào là đường cấm để tránh bị xử phạt khi tham gia lưu thông trên đường bộ thì cần quan sát các biển báo cấm được đặt để cảnh báo người tham gia giao thông.
Thứ hai, mức xử phạt khi đi vào đường cấm:
Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt đối với lỗi đi vào đường cấm của người điều khiển phương tiện xe ô tô, xe taxi, xe hợp đồng được quy định như sau:
Người điều khiển phương tiện đi vào đường cấm, khu vực cấm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Mức phạt tiền cụ thể được áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 theo đó khi áp dụng hình phạt tiền mức tiền áp dụng là mức trung bình của khung hình phạt của hành vi vi phạm đó. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể tăng lên hoặc giảm đi nhưng không được vượt quá mức tối đa và giảm không quá mức tối thiểu của khung hình phạt. Trong trường hợp này mức phạt trung bình thường là 1.000.000 đồng.
Ngoài hình phạt chính là phạt tiền, lỗi đi vào đường cấm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên nếu lỗi đi vào đường cấm của người điều khiển phương tiện dẫn đến hậu quả là có tai nạn giao thông xảy ra thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 cho đến 04 tháng. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ giữ giấy phép lái xe trong thời hạn ghi trong quyết định xử phạt. Khi hết thời hạn tạm giữ, người điều khiển phương tiện bị tạm giữ giấy phép cầm biên lai nộp phạt đến nhân lại giấy phép lái xe.
Thứ ba, nguyên tắc chịu trách nhiệm xử phạt
Đối với lỗi đi vào đường cấm khi xe ô tô, xe taxi và xe hợp đồng chỉ áp dụng xử phạt đối với người điều khiển phương tiện. Như vậy trách nhiệm nộp phạt được chia thành các trường hợp như sau:
– Đối với xe ô tô: Nếu chủ xe là người điều khiển vi phạm thì có trách nhiệm nộp phạt. Nếu chủ xe không phải người điều khiển mà thông qua hợp đồng thuê, mượn thì chủ xe không có trách nhiệm phải nộp phạt mà trách nhiệm thuộc về người điều khiển và tước quyền giấy phép lái xe của người điều khiển.
– Đối với xe taxi: Lái xe taxi tự chịu trách nhiệm nộp phạt, công ty taxi không nộp phạt thay cũng không đồng chịu trách nhiệm với lái xe.
– Đối với xe hợp đồng: Chủ sở hữu phương tiện không chịu trách nhiệm nộp phạt. Bên thuê xe phải có trách nhiệm nộp tiền phạt vi phạm hành chính theo đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính để lấy phương tiện bị tạm giữ do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trả lại cho chủ sở hữu, bồi thường cho chủ sở hữu một khoản tiền tương ứng với số thiệt hại do phương tiện bị tạm giữ nếu hai bên có thỏa thuận.
Thường đối với các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ quy định áp dụng biện pháp xử phạt cho cả người điều khiển phương tiện giao thông và chủ sở hữu. Tuy nhiên, lỗi đi vào đường cấm chỉ áp dụng biện pháp xử phạt đối với người điều khiển phương tiện chứ không đặt ra trách nhiệm cho chủ sở hữu.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!