Phân chia di sản thừa kế khi đã ủy quyền đại diện đứng tên sổ đỏ. Quy định của pháp luật về phân chia di sản thừa kế.
Tóm tắt câu hỏi:
Ba tôi mất cách đây 7 năm. Trước đây 20 năm ba tôi và các cô chú đã đồng ý cho chú Út đứng ra đại diện làm sổ đỏ chung của phần đất mà ông bà nội tôi để lại, nhưng không có một văn bản ủy quyền nào của các cô chú cả, chỉ đồng ý bằng tình cảm thân thiện giữa các anh em thôi. Do vậy phần đất mà anh chị em tôi đang ở hiện tại vẫn cùng chung sổ đỏ của chú Út. Căn nhà hiện tại đã mục nát, anh chị em cùng nhau để xây cất lại thì chú Út cản trở gây khó khăn bảo là đất của cô chú. Vậy anh chị em chúng tôi có quyền đòi hỏi phần thừa kế của ba tôi hay không? Hay trước đây ba tôi và các cô chú đã nhất trí cho chú Út đại diện đứng tên làm sổ đỏ thì bây giờ anh chị em chúng tôi không còn quyền hạn gì hết. Anh chị em chúng tôi có được khởi kiện để đòi lại phần thừa kế của ba tôi không? Xin Công ty Luật Nhân Hòa tư vấn để anh chị em chúng tôi hiểu rõ về luật đất đai và quyền thừa kế, để anh chị em tôi đòi lại quyền lợi của ba tôi đúng theo pháp luật của nhà nước ban hành. Tôi chân thành cảm ơn Công ty và mong đợi sự hồi âm.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Luật Nhân Hòa. Với thắc mắc của bSạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Dân sự 1995;
– Bộ luật Dân sự 2005;
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
2. Giải quyết vấn đề:
Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 đều xác định đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Theo như thông tin bạn cung cấp, 20 năm trước ba bạn và các cô chú đã đồng ý cho chú Út bạn đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bạn không nói rõ ba bạn và các cô chú khác có từ bỏ quyền thừa kế của mình hay không? Nếu ba bạn và các cô chú từ bỏ quyền thừa kế thì nay đây là tài sản hợp pháp của chú út bạn, không ai có quyền tranh chấp.
Nếu ba bạn và các cô chú khác không từ bỏ quyền thừa kế thì đây vẫn được xác định là tài sản chung của các anh chị em của ba bạn. Đối với phần đất ông bà nội bạn để lại sẽ chia 02 trường hợp như sau:
– Nếu có di chúc hợp pháp: Di sản được chia theo di chúc;
– Nếu không có di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp: Tài sản được phân chia thừa kế theo pháp luật tức những người thuộc hàng thừa kế thứ nhật của ông bà nội bạn gồm: con đẻ, con nuôi, cha, mẹ của ông bà nội bạn có quyền thừa kế như nhau đối với phần di sản được để lại.
Vì ba bạn đã mất, anh em bạn được xác định là người thừa kế tài sản của ba bạn, do đó bạn có quyền khởi kiện phân chia tài sản của các thành viên trong gia đình để xác định phần bố bạn được hưởng là bao nhiêu theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Cụ thể:
– Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: bạn nộp đơn khởi kiện tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi có tài sản;
– Nội dung và hình thức đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!