Tóm tắt câu hỏi:
Nhà tôi nằm trên miếng đất tranh chấp. Lúc đầu định giá 150 triêu. Sau vài lần xuống giá giờ còn 76 triệu. Xin hỏi tôi không đồng ý với mức giá này thì tôi cần phải làm gì.?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Luật Nhân Hòa. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Đất đai 2013;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011;
– Nghị định 44/2014/NĐ-CP;
– Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC.
2. Luật sư tư vấn:
Trong câu hỏi bạn đưa ra, bạn có đề cập nhà của bạn nằm trên miếng đất tranh chấp, tuy nhiên bạn không nêu cụ thể đó là tranh chấp đang giải quyết ở Tòa án hay tranh chấp mà các bên tự giải quyết mà không thông qua bên thứ ba nên chúng tôi xin phép chia làm 2 trường hợp.
* Trường hợp 1: Tranh chấp đang giải quyết ở Tòa án
Trong trường hợp này, việc định giá mảnh đất tranh chấp trước hết sẽ do các bên đương sự tự thỏa thuận, tự lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá trị tài sản, Nhà nước sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Theo đó, kết quả thẩm định giá sẽ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định giá được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật. Vậy nên, trong trường hợp bạn không đồng ý với kết quả đó, bạn phải chứng minh với Tòa rằng việc thực hiện thẩm định giá không tuân theo đúng quy định của pháp luật hoặc chứng minh có sự thỏa thuận giữa bên đương sự kia với tổ chức định giá tài sản nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí. Khi đó, Tòa án sẽ không công nhận kết quả thẩm định đó là chứng cứ. Nếu vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp theo quy định tại Khoản 1, Điều 92, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011:
“1. Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
b) Các bên thỏa thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí”
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành định giá trong trường hợp này là Hội đồng định giá do Tòa án quyết định thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Việc định giá sẽ được ghi thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành và các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp, ngay từ đầu bạn hoặc các đương sự khác đã yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản hoặc không đồng ý với kết quả định giá mà tổ chức định giá mình lựa chọn và yêu cầu Tòa án định giá tài sản, sau khi có kết quả thẩm định giá bạn không đồng ý với kết quả đó thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án định giá lại tài sản theo quy định tại Điều 18, Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC:
“1. Tòa án đang giải quyết ra Quyết định định giá lại tài sản theo đơn yêu cầu của một hoặc các bên đương sự trong các trường hợp sau đây:
a) Có căn cứ rõ ràng cho thấy kết quả định giá tài sản không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá;
b) Có căn cứ cho thấy Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thiếu trung thực, khách quan”.
* Trường hợp 2: Tranh chấp do các bên tự giải quyết
Việc định giá đất phải được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 112, Luật Đất đai 2013, bao gồm:
Thứ nhất, theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá.
Thứ hai, theo thời hạn sử dụng đất.
Thứ ba, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất. Giá đất phổ biến trên thị trường là mức giá xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong các giao dịch đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất xác định từ chi phí, thu nhập của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định.
Thứ tư, cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
Về phương pháp định giá đất, theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định 44/2014/NĐ-CP:
“Điều 4. Phương pháp định giá đất
1. Phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp định giá đất thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất trống tương tự về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, tính pháp lý về quyền sử dụng đất (sau đây gọi là thửa đất so sánh) đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
2. Phương pháp chiết trừ là phương pháp định giá đất đối với thửa đất có tài sản gắn liền với đất bằng cách loại trừ phần giá trị tài sản gắn liền với đất ra khỏi tổng giá trị bất động sản (bao gồm giá trị đất và giá trị tài sản gắn liền với đất).
3. Phương pháp thu nhập là phương pháp định giá đất tính bằng thương số giữa mức thu nhập ròng thu được bình quân một năm trên một đơn vị diện tích đất so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân một năm tính đến thời điểm định giá đất của loại tiền gửi VNĐ kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên địa bàn cấp tỉnh.
4. Phương pháp thặng dư là phương pháp định giá đất đối với thửa đất có tiềm năng phát triển theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng cao nhất và tốt nhất bằng cách loại trừ tổng chi phí ước tính ra khỏi tổng doanh thu phát triển giả định của bất động sản.
5. Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành.
Điều 5. Áp dụng phương pháp định giá đất
1. Yêu cầu về thông tin trong áp dụng phương pháp định giá đất:
a) Các thông tin về giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất trong cơ sở dữ liệu về đất đai, giá đất trên sàn giao dịch bất động sản, giá đất được xác định từ chi phí, thu nhập của thửa đất (sau đây gọi là giá đất thị trường) phải bảo đảm khách quan, trung thực.
Trường hợp tại khu vực định giá đất không đủ thông tin thì có thể thu thập thông tin tại khu vực lân cận với khu vực có thửa đất cần định giá;
b) Khi áp dụng các phương pháp định giá đất phải ưu tiên lựa chọn các thông tin quy định tại Điểm a Khoản này tại khu vực định giá đất và tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá đất.
2. Điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất:
a) Phương pháp so sánh trực tiếp được áp dụng để định giá đất khi trên thị trường có các thửa đất so sánh đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
b) Phương pháp chiết trừ được áp dụng để định giá đối với thửa đất có tài sản gắn liền với đất trong trường hợp có đủ số liệu về giá các bất động sản (gồm đất và tài sản gắn liền với đất) tương tự với thửa đất cần định giá đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
c) Phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá đối với thửa đất xác định được các khoản thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất;
d) Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với thửa đất có tiềm năng phát triển do thay đổi quy hoạch hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi xác định được tổng doanh thu phát triển giả định và tổng chi phí ước tính;
đ) Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất cho các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này”.
Theo đó, trong trường hợp này, việc định giá đất có thể do bạn tự tiến hành hoặc tìm đến các trung tâm môi giới bất động sản, công ty thẩm định giá nhà đất… để được tư vấn giá hợp lý. Nếu bạn không đồng ý với kết quả thẩm định đó, bạn có thể tìm đến công ty khác để yêu cầu định giá đất hoặc nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về mảnh đất. Khi đó, việc định giá đất sẽ tiến hành giống trường hợp 1 chúng tôi đã nêu ra.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!