Xin chào luật sư. Tôi có vấn đề mong được sự tư vấn của luật sư.
Khoảng tháng 9/2018, qua một người quen, tôi có đến một công ty chuyên về đưa người ở Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản để tìm hiểu và ký hợp đồng đặt cọc đi xuất khẩu lao động. Số tiền tôi đặt cọc là 2.000USD, trong hợp đồng có quy định nếu bên nào vi phạm hợp đồng, hủy giao kết hợp đồng thì sẽ mất tiền đặt cọc. Công ty có hứa là khoảng đầu tháng 4/2019 sẽ hoàn tất hồ sơ để gửi tôi đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên, công ty cứ khất hẹn từ lần này đến lần khác, lúc thì nói đơn hàng đã đủ người, lúc thì nói chưa có đơn đặt hàng từ bên Nhật nên đến nay (tháng 11/2019) tôi vẫn chưa được đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, tôi muốn lấy lại số tiền cọc này thì có được không ạ?
Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty luật Nhân Hòa, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, đã kí hợp đồng và đặt cọc cho một công ty xuất khẩu lao động phổ thông đi làm việc ở Nhật Bản số tiền 2000 USD.
Nhưng thời hạn đã lâu mà công ty vẫn chưa hoàn tất thủ tục để bạn đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, bạn muốn chấm dứt hợp đồng đặt cọc giữa hai bên và muốn nhận lại số tiền đạt cọc là 2.000 USD.
Theo Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định đặt cọc như sau:
"Đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác, trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Như vậy, bản chất của đặt cọc là để bảo đảm cho các bên giao kết hợp đồng. Nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng đặt cọc thì việc xử lý số tiền đặt cọc sẽ theo thỏa thuận của bên thể hiện trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng không có quy định thì giải quyết theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên hiện tại bạn không muốn đi xuất khẩu lao động nữa và muốn rút lại số tiền đã đặt cọc thì bạn phải xem xét hợp đồng giữa bạn và công ty đã giao kết có ghi nhận vấn đề này không, có quy định trong hợp đồng là sau bao nhiêu tháng kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc thì công ty phải đảm bảo cho bạn được đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản hay không và nếu quá thời hạn đó thì phải xử lý như thế nào. Trường hợp trong hợp đồng đã ghi nhận rõ nếu bạn tự ý hủy hợp đồng sẽ mất hết tiền đặt cọc thì các bên thực hiện theo những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng, tức là bạn không thể lấy lại số tiền 2000 USD đã đặt cọc và nếu bạn vẫn muốn lấy lại tiền đặt cọc thì bạn phải thỏa thuận với công ty. Ngược lại, nếu hợp đồng đặt cọc có quy định rõ về thời gian để bên công ty thực hiện thủ tục cho bạn đi xuất khẩu lao động nhưng công ty không thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng thì bạn hoàn toàn có thể lấy lại số tiền đặt cọc là 2.000USD và có thể yêu cầu công ty bồi thường một khoản tiền tương ứng nếu việc không thực hiện được hợp đồng là hoàn toàn do lỗi của công ty.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: luatsunhanhoa@gmail.com hoặc gọi điện đến hotline 0915 27 05 27 để được giải đáp.