Câu hỏi: Thưa luật sư, bố em đang ốm nặng và đang muốn lập di chúc để lại tài sản cho con cháu, luật sư cho em hỏi bố em có thể lập di chúc được không? Và phải lập di chúc bằng cách nào để di chúc có hiệu lực. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào em, cảm ơn em đã gửi câu hỏi tư vấn đến bộ phận tư vấn pháp lý của công ty luật Nhân Hoà. Đối với vấn đề của em, luật sư tư vấn như sau:
Di chúc là việc một người muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo đó, để di chúc được hợp pháp thì phải đáp ứng các điều kiện quy định trong Bộ luật Dân sự mới nhất sau đây:
- Khi lập di chúc, người lập phải minh mẫn, sáng suốt;
- Người lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Di chúc phải được lập thành văn bản. Nếu không thể lập thành văn bản thì có thể được lập di chúc miệng;
Như vậy có thể thấy điều kiện để di chúc hợp pháp thì người lập di chúc minh mẫn , sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa , cưỡng ép. Tự nguyện tham gia giao dịch là một điều kiện để giao dịch có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp là di chúc miệng: Việc lập di chúc bằng miệng chỉ được đặt ra khi người lập di chúc không thể lập di chúc bằng văn bản. Cụ thể, đó là lúc một người bị cái chết đe dọa. Lúc chủ thể lập di chúc bị ốm nặng thì cũng là một trường hợp hợp pháp để thực hiện việc lập di chúc bằng miệng.
“Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”
Di chúc miệng là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc bằng lời nói trước mặt người khác. Để đảm bảo tính khách quan của di chúc, pháp luật quy định trình tự, thủ tục ghi lại nội dung của di chúc miệng qua các bước sau:
Người lập di chúc ở trong tình trạng không thể lập được di chúc viết như tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng không có điều kiện lập di chúc viết. Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Một người làm chứng ghi chép lại nội dung di chúc , sau đó hai người làm chứng cùng ký vào bản chép nội dung di chúc.
Trong thời 5 ngày làm việc kể từ ngày người di chúc miệng tuyên bố ý chí, bản ghi chép nội dung di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng theo khoản 5 điều 630 của bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trường hợp này cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã phường, thị trấn hoặc người có thẩm quyền chứng thực không thể chứng thực nội dung di chúc vì không biết ý chí chủ quan của người lập di chúc, cho nên công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chỉ được xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Trường hợp công chứng viên đến tận nơi để lập di chúc:
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định:
“Điều 44. Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”
Trong trường hợp người lập di chúc là người già yếu, không thể đi lại được do ốm đau, bệnh tật… mà không thể đến trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng thì công chứng viên có thể công chứng ngoài trụ sở.Theo đó, nếu người lập di chúc bị ốm nặng, không thể tự mình đến tận nơi để công chứng thì có thể yêu cầu công chứng viên đến nhà, bệnh viện, … nơi người này chữa trị. Pháp luật dự liệu trường hợp người lập di chúc không thể tự đến cơ quan công chứng vì bệnh tật, sức khỏe yếu hoặc vì các lý do chính đáng có thể yêu cầu công chứng viên đến nơi cư trú, nơi làm việc, học tập,.. để thực hiện việc lập di chúc bằng văn bản có công chứng theo điều 636 bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp di chúc không có công chứng, chứng thực, có người làm chứng
Nếu không thể tự mình viết di chúc cũng như công chứng được thì người để lại tài sản có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng.Người làm chứng không phải là người thừa kế của người lập di chúc, có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Lúc này, người lập di chúc phải ký vào bản di chúc trước mặt người làm chứng và người làm chứng cũng phải ký vào bản di chúc để xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết hoặc đánh máy được như bị tai nạn, ốm đau, cụt tay thuận, hai tay bị liệt… là trường hợp đặc biệt cho nên luật pháp cho phép ngươi lập di chúc có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy nội dung mà người lập di chúc công bố và phải có hai người làm chứng cùng có mặt chứng kiến việc người lập di chúc công bố ý chí và người khác ghi lại nội dung. Thứ hai người lập di chúc nhờ một người ghi nội dung di chúc đã ghi cho người lập di chúc nghe và chứng kiến nội dung di chúc có đứng với ý chí của người lập di chúc hay không. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng, sau cùng hai người làm chứng xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Có bắt buộc phải khám sức khỏe khi muốn lập di chúc?
Để xác định được một người minh mẫn, sáng suốt là chuyện tưởng dễ nhưng không hề dễ chút nào. Vì phòng ngừa rủi ro mà cơ quan có thẩm quyền vẫn yêu cầu người lập di chúc phải có giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, đây không phải quy định bắt buộc.
Theo đó, Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định, nếu công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần, mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì được phép đề nghị người lập di chúc làm rõ.
Nếu không thể làm rõ được thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều tranh chấp xảy ra đều lấy lý do người lập di chúc không minh mẫn, bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa nên việc khám sức khỏe trước khi lập di chúc là một việc làm cần thiết.
Đây không phải là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có của người lập di chúc nhưng trong quá trình lập di chúc thì khuyến khích nên có để dễ dàng hơn trong việc giải quyết tranh chấp sau này (nếu có) và đảm bảo ý nguyện của người để lại di chúc.
Vì vậy, trong trường hợp này, bố em nếu bị ốm liệt giường nhưng nếu tinh thần vẫn còn minh mẫn thì vẫn có thể lập di chúc theo một các cách thức như tư vấn ở trên.
Trên đây là chia sẻ của luật sư về các quy định pháp luật liên quan đến việc lập di chúc của người ốm nằm liệt giường. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.
Quý vị và các bạn cần tư vấn, soạn thảo di chúc, phân chia di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!