Câu hỏi: Xin chào Luật sư Nhân Hòa. Bố mẹ tôi có một mảnh đất (đất để ở, bao gồm cả nhà) tại Việt Nam, hiện tại bố mẹ tôi đã mất. Tôi là người thừa kế duy nhất, tôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã lâu. Vậy, cho tôi hỏi tôi có được hưởng di sản thừa kế là mảnh đất đấy không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Nhân Hòa. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 169 Luật đất đai 2013 về nhận quyền sử dụng đất :
“1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
…
đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;”.
Theo quy định nêu trên, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở thì sẽ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức nhận thừa kế.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 186 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
Điều 186. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Căn cứ quy định trên, trong trường hợp bố mẹ bạn để lại di sản là nhà và đất ở tại Việt Nam cho bạn thì bạn sẽ có quyền được nhận thừa kế.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 8 Luật nhà ở 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện sau:
1. Phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
Như vậy, theo các quy định trên và đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, trường hợp những người định cư ở những nước được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì sẽ được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Trường hợp những người trên thuộc đối tượng không được nhập cảnh vào Việt Nam thì sẽ không được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được nhập cảnh vào Việt Nam thì họ sẽ không được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nhưng vẫn được hưởng phần giá trị tài sản thừa kế tương ứng.
(Lưu ý: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết và thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo di chúc là từ thời điểm mở thừa kế).
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nhân Hòa về vấn đề bạn hỏi và quan tâm.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 0915.27.05.27 để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục khai nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài kịp thời.